Hôm qua 8.7, nhóm PV Thanh Niên ghi nhận có sự dịch chuyển dòng người từ TP.HCM hoặc các tỉnh, thành có số ca nhiễm tăng cao về các địa phương khác.
Không cần thiết thì không nên về quê
Tại chân cầu Đồng Nai và trạm thu phí QL1K (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), nơi có 2 chốt kiểm soát người từ TP.HCM và Bình Dương vào Đồng Nai, lực lượng chức năng kiểm soát chặt người ra vào địa phương này. Trong dòng người bị chặn lại, có nhiều người quê ở Bình Thuận, Đồng Nai nhưng sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Khi nghe tin TP.HCM áp dụng cách ly xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16, họ quyết định về quê.
Bộ GTVT ngày 8.7 có công điện hỏa tốc yêu cầu tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TP.HCM đi các tỉnh, TP khác, hoặc từ tỉnh, TP khác đến TP.HCM bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực. Trường hợp phương tiện vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết thì không buộc phải có giấy xét nghiệm nhưng phải được theo dõi, kiểm soát y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Mai Hà
|
Tại cuộc họp với UBND TP.Biên Hòa về công tác phòng chống dịch, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhận định trong ngày 8.7, số lượng người từ TP.HCM về Đồng Nai rất lớn. Vì vậy các tổ Covid-19 cộng đồng cần được kích hoạt ngay và hoạt động tích cực để phát hiện sớm những trường hợp từ TP.HCM về địa phương và kịp thời xử lý phù hợp.
Tại chốt kiểm dịch Covid-19 Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), nằm ở cửa ngõ giáp với Đồng Nai, lượng người từ TP.HCM về Bình Thuận khá lớn; tất cả đều phải dừng phương tiện để khai báo y tế và trình giấy kết quả âm tính Covid-19. Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, việc cách ly và lấy mẫu những người từ TP.HCM về/đến Bình Thuận được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Đức Hải Tùng, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh khuyến cáo người dân tỉnh mình đang công tác, làm việc tại TP.HCM (và kể cả Đồng Nai, Bình Dương), trong thời điểm khó khăn này, nếu không có việc gì cần thiết thì không nên về quê. Đối với những người đã về, phải thực hiện nghiêm các quy định như khai báo, xét nghiệm và thực hiện cách ly tại nhà.
Tại 3 chốt kiểm tra khai báo y tế trên QL51, cũng có rất đông người từ TP.HCM về Bà Rịa-Vũng Tàu. Những trường hợp không có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính thì nộp tiền để kiểm tra nhanh tại chỗ. Tại các chốt này, công an của các huyện, thị xã, TP được bố trí lực lượng trực 24/24 để tiếp nhận thông tin người từ TP.HCM về địa phương mình.
Sau đó, công an sẽ liên hệ với các xã, phường trên địa bàn tổ chức đón và yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày. Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết công dân về địa phương sẽ được UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định cách ly tại nhà. “Những trường hợp khai báo gian dối, nếu sau này gây ra hậu quả, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Tuấn nói.
|
Hàng chục người dân Thừa Thiên-Huế đi tàu từ TP.HCM phải xuống ga Đông Hà
Trong đêm 7.7 và sáng 8.7, có 26 người dân Thừa Thiên-Huế đi tàu từ TP.HCM (tàu SE4 và SE8) phải xuống ga Đông Hà (Quảng Trị) thay vì ga Huế. Những người này cho biết khi mua vé tại ga Sài Gòn (TP.HCM), họ được nhân viên bán vé tư vấn do ga Huế không tiếp nhận người từ TP.HCM về nên mua vé đến ga 2 địa phương lân cận Huế là Đà Nẵng hoặc Quảng Trị.
Ùn ứ trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương vì giấy chứng nhậnSáng sớm 8.7, tại khu vực chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Tiền Giang đặt tại trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành, Tiền Giang), hàng trăm phương tiện từ TP.HCM về phải xếp hàng chờ qua chốt. Tuy vậy, hầu hết tài xế đều kẹt lại do không trình được giấy chứng nhận âm tính Covid-19 bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR trong thời hạn 3 ngày.
Các tài xế điều khiển xe đi ngang qua Tiền Giang để về các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre... không bị yêu cầu giấy chứng nhận như các tài xế về Tiền Giang. Tuy nhiên, do bị xe của tài xế về Tiền Giang chắn lối nên họ cũng “chôn chân” chờ đợi. Vì quá sốt ruột, các tài xế hết năn nỉ rồi cự cãi với nhân viên kiểm soát chốt.
Theo Công văn 3421/UBND-KGVX của UBND tỉnh Tiền Giang, các tài xế có giấy test nhanh âm tính với Covid-19 còn trong thời hạn 3 ngày cũng không được giải quyết cho qua chốt. Đến khoảng 11 giờ ngày 8.7, ùn tắc nghiêm trọng nối dài trên 5 km cao tốc hướng từ TP.HCM về Tiền Giang nên trạm kiểm soát Thân Cửu Nghĩa buộc phải xả trạm để giải phóng phương tiện.
Liên quan đến giấy chứng nhận xét nghiệm RT-PCR, một lãnh đạo Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang - nơi duy nhất tại Tiền Giang có trang bị máy xét nghiệm RT-PCR, cho biết do chỉ có 1 máy xét nghiệm RT-PCR với công suất khoảng 500 mẫu bệnh phẩm nên không thể xét nghiệm kịp thời cho người dân theo yêu cầu.
L.Lang - B.Bình
|
Trả lời Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế TP.Đông Hà, cho biết đơn vị phải bố trí thêm nhân lực để “lo” cho những công dân Thừa Thiên-Huế nói trên. Sau đó, trung tâm xin ý kiến cấp trên để huy động thêm phương tiện, đưa toàn bộ 26 người này đi cách ly tập trung tại TT.Lao Bảo (H.Hướng Hóa, cách ga Đông Hà khoảng 70 km) trong 21 ngày.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, đặt câu hỏi: “Bất kể vì nguyên nhân gì thì việc ga Huế không tiếp nhận người dân Thừa Thiên-Huế trở về từ TP.HCM là rất vô lý. Nếu Quảng Trị cũng không tiếp nhận 26 người này thì họ phải làm sao?”.
Trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định “không có chuyện từ chối công dân trở về địa phương, hay ngăn sông cấm chợ”. Theo ông, quan điểm của tỉnh là mong muốn bà con đang ở vùng có dịch hạn chế trở về, trừ trường hợp thật sự khẩn cấp, để giảm gánh nặng quá tải tại các khu cách ly tập trung.
Trước đó, tỉnh đã đề xuất Bộ GTVT tạm ngưng đường hàng không và đường sắt từ vùng dịch TP.HCM về Huế và đã thông tin rộng rãi. “Đây là sự việc rất đáng tiếc! Chúng tôi sẵn sàng đón 26 bà con này từ Quảng Trị về địa phương cách ly tập trung nếu bà con có nguyện vọng hoặc Quảng Trị có đề nghị”, ông Nguyễn Văn Phương nói.
Bình luận (0)