Áp đặt lệnh cấm đánh bắt ở biển Đông: Trung Quốc sẽ không tránh khỏi một phiên tòa bắt buộc

10/01/2014 09:00 GMT+7

Các chuyên gia cảnh báo lệnh cấm đánh bắt ở biển Đông là bước leo thang mới của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

Các chuyên gia cảnh báo lệnh cấm đánh bắt ở biển Đông là bước leo thang mới của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. 

Áp đặt lệnh cấm đánh bắt ở biển Đông: Trung Quốc sẽ không tránh khỏi một phiên tòa bắt buộc
Trung Quốc thực hiện nhiều bước đi nhằm đẩy mạnh yêu sách chủ quyền ở cả biển Đông lẫn biển Hoa Đông - Ảnh: PLA Navy 

Sau khi áp đặt vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, Trung Quốc tiếp tục khiến biển Đông nổi sóng với quy định phi lý cấm tàu bè nước ngoài hoạt động nghề cá tại khu vực bao phủ gần trọn biển Đông. Truyền thông quốc tế mới đây đưa tin tỉnh Hải Nam đã ban hành quy định yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền Trung Quốc nếu muốn đánh bắt trong “vùng quản lý” của tỉnh Hải Nam. Những tàu vi phạm sẽ bị phạt gần 83.000 USD, bị tịch thu dụng cụ đánh bắt và hải sản.

Hãng Reuters dẫn thông báo trên website của chính quyền tỉnh Hải Nam cho biết các quy định được thông qua vào tháng 11 năm ngoái và có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014. Trong dấu hiệu thể hiện sự chuẩn thuận của chính quyền trung ương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua nói các quy định nhằm mục đích bảo vệ “quyền lợi hợp pháp” của các ngư dân, theo Bloomberg.

 

Và do những quy định đó không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc không thể tránh khỏi một phiên tòa bắt buộc

Tiến sĩ Sam Bateman thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore)

Theo Đài GMA, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết đang tiến hành “kiểm tra tính xác thực của thông báo về lệnh cấm đánh bắt cá tại biển Đông”. Hãng Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp của hải quân Philippines nhấn mạnh việc đơn phương áp đặt lệnh cấm tàu bè nước ngoài hoạt động nghề cá là hành động vi phạm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Ngoài Philippines, Đài Loan cũng lên tiếng phản đối và tuyên bố không công nhận các quy định phi lý của Bắc Kinh.

Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Sam Bateman thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) dự đoán động thái trên sẽ bị phản đối mạnh mẽ và “nếu nó được phê chuẩn bởi chính quyền trung ương, Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với hành động pháp lý, nhiều khả năng là tại Tòa án quốc tế về luật Biển. Và do những quy định đó không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc không thể tránh khỏi một phiên tòa bắt buộc”, ông Bateman nói.

Theo chuyên gia về Đông Nam Á, ông Carlyle A.Thayer, Giáo sư danh dự thuộc Đại học New South Wales (Úc), động thái của chính quyền tỉnh Hải Nam là một bước leo thang lớn trong các yêu sách về quyền tài phán của Trung Quốc tại biển Đông. Cả tiến sĩ Bateman và Giáo sư Thayer đều cho rằng các quy định của Trung Quốc là phi pháp nếu được áp dụng bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

“Hành động của giới chức tỉnh Hải Nam có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và từ đó gây xói mòn, nếu không phải phá hoại, những cuộc đàm phán được lên kế hoạch giữa các quan chức ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)”, ông Thayer nhận định. Theo vị giáo sư, hành động của chính quyền tỉnh Hải Nam là một ví dụ nữa về việc Trung Quốc sử dụng các luật lệ trong nước để đẩy mạnh các yêu sách về chủ quyền và quyền tài phán phi lý ở biển Đông.

Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Mark Valencia (Viện Nautilus, Mỹ) cho rằng mưu đồ trên của Trung Quốc sẽ có nguy cơ phản tác dụng. Theo ông Valencia, nếu các quy định trên nhắm đến tàu bè nước ngoài với phạm vi vượt ra ngoài EEZ của Trung Quốc thì các ngư dân nước ngoài đánh bắt trong EEZ của nước họ sẽ phớt lờ các quy định. Điều này sẽ càng làm xói mòn những cơ sở trong tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại biển Đông.

Nhật - Trung “chạm trán” tại diễn đàn khu vực

Học giả Nhật Bản và Trung Quốc đã tranh cãi quyết liệt nhằm bảo vệ lập trường mỗi nước ở biển Hoa Đông tại diễn đàn viễn cảnh khu vực năm 2014 tại Singapore ngày 9.1. Diễn đàn thường niên do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore tổ chức nhằm dự báo viễn cảnh kinh tế, chính trị và an ninh trong năm. An ninh khu vực Đông Nam Á và châu Á năm 2014 được xác định là phụ thuộc chính vào các động lực trong quan hệ bộ 3 Mỹ - Trung Quốc - Nhật Bản. Trong đó, vấn đề nóng nhất là tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Phát biểu về lập trường của Mỹ, bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc và châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington lặp lại rằng Mỹ coi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư “nằm dưới quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản”. Vì vậy “trong một số tình huống, Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản nếu được yêu cầu, theo điều V của Hiệp ước tương trợ quốc phòng Mỹ - Nhật”. Đại diện từ Trung Quốc là thiếu tướng Chu Thành Hổ, Giáo sư Đại học Quốc phòng đã chỉ trích Washington có những hành động mà Bắc Kinh coi là can thiệp gây bất ổn cho khu vực.

Bên cạnh việc giải thích quyền thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, ông Chu cũng không tiếc lời lên án việc Nhật Bản quốc hữu hóa một đảo ở Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9.2012 làm “quan hệ Trung - Nhật thật sự tồi tệ trong 2 năm qua”. Đáp lại, Giáo sư Tomohito Shinoda từ Đại học Quốc tế Nhật Bản đã mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông với những đòi hỏi phi lý là “trái thông lệ quốc tế”.

Trong cuộc tranh cãi gay gắt về chủ quyền Senkaku/Điều Ngư, các bằng chứng lịch sử được ông Chu nêu ra bị bác bỏ bởi bằng chứng về thực tế thực thi chủ quyền liên tục của Nhật Bản đối với cụm đảo. Giáo sư Tommy Koh của Singapore - người chủ trì việc soạn thảo Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 phải cắt ngang bằng cách giơ tay phát biểu ý kiến “hai bên nên trình bày các lập luận này tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ)”. Giáo sư Shinoda nhắc lại lập trường Nhật Bản sẵn sàng đưa vụ Senkaku lên ICJ còn ông Chu nói đem vấn đề này ra ICJ là “vô cùng nguy hiểm”. Khi được hỏi liệu sắp tới Trung Quốc có lập ADIZ ở biển Đông không, ông Chu trả lời không do dự: “Không”. Ông này nói rằng Bắc Kinh muốn giữ hòa khí tốt đẹp với ASEAN.

Thục Minh
(VP Singapore)

An Điền - Thụy Miên 

>> Trung Quốc phát hành bản đồ phi lý về biển Đông
>> Trung Quốc ngang nhiên phát hành bản đồ phi lý về biển Đông
>> Nỗ lực phi lý của học giả Trung Quốc, Đài Loan 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.