(TNO) Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt tại hội thảo Công nghệ sinh học Việt Nam: Hướng phát triển cho tương lai do Đại sứ quán Hoa Kỳ và Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức ở TP.HCM, ngày 9.8.
Theo ông Ngọc, Việt Nam đang xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản sang các nước có quan điểm chưa thống nhất về sử dụng cây trồng biến đổi gen (GMO). Vì vậy việc phát triển cây trồng GMO cần có bước phát triển phù hợp tránh ảnh hưởng xuất khẩu.
Ông Ngọc cho hay, việc phát triển cây trồng GMO phải tuân thủ theo Nghị định 69. Dự kiến năm 2015 Việt Nam sẽ đưa vào sản xuất cây trồng GMO, đầu tiên là giống bắp (năng suất vượt trội, chống chịu tốt và kháng sâu).
Chủ trương của Việt Nam trong phát triển GMO là thận trọng, tiếp nhận và ứng dụng có chọn lọc những thành tựu khoa học về GMO của thế giới.
GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam cho biết, hằng năm Việt Nam phải nhập nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi lên đến 3,7 tỉ USD. Trong đó, nguồn bắp và đậu tương nhập khẩu có khả năng là sản phẩm của giống biến đổi gen.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra, Việt Nam chỉ còn một con đường cách mạng khoa học công nghệ tạo nên những giống chống chịu lại khô hạn, nhiệt độ nóng lên…
Tuy nhiên, ông Bửu cho rằng việc ứng dụng công nghệ sinh học Việt Nam đang đối diện với thách thức lớn về dư luận xã hội.
Ông Bria Neubert, chuyên gia kinh tế Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ cho biết Việt Nam nên khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học.
Theo ông Bria Neubert, hạt giống và cây trồng công nghệ sinh học cung cấp nhiều lợi ích cho các nước trồng, sử dụng, trong đó bao gồm góp phần giảm giá lương thực, bảo vệ môi trường.
Trung Hiếu
>> Cấy trồng" bộ phận cơ thể người
>> Băn khoăn cây trồng chuyển gien
>> Nguy cơ lệ thuộc về nguồn giống cây trồng biến đổi gien
>> Hội thảo về cây trồng biến đổi gen
Bình luận (0)