Áp lực “đẻ con trai” làm khổ bao người !

19/05/2020 06:28 GMT+7

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng cảm đối với những phụ nữ trước áp lực “ người nối dõi ”, và cho rằng ngay cả cánh đàn ông cũng bị áp lực rất lớn về chuyện “có con trai”.

Loạt phóng sự Khát vọng ầu ơ: Áp lực “người nối dõi” (Thanh Niên ngày 18.5.2020) được nhiều bạn đọc (BĐ) chú ý. Theo bài viết, để chồng có con nối dõi, không phải muối mặt với họ hàng mỗi khi về quê, để tự an ủi mình rằng sau này già yếu sẽ có nơi nương tựa..., nhiều phụ nữ tìm đủ cách để kiếm đứa con trai. Những tưởng chuyện chê bai phụ nữ không đẻ được con trai là chuyện của vài thập niên trước; nhưng ngay xã hội văn minh, tinh thần bình đẳng đã phủ kín làng trên xóm dưới, rất nhiều phụ nữ vẫn đau đầu vì những kỳ thị này.

Thời nào rồi mà còn “trọng nam khinh nữ” ?

“Làm phụ nữ đúng là quá khổ vì tư tưởng trọng nam khinh nữ, và nhiều áp lực khác, từ công việc cho tới  gia đình, xã hội. Lại còn thêm cái gánh phải đẻ cho được "con trai nối dõi", bao nhiêu thứ cứ đổ cho phụ nữ. Không đẻ được con trai thì do nhiều nguyên nhân, chứ đâu phải chỉ do phụ nữ...”, BĐ Long Nhã viết. Cùng quan điểm, BĐ Ngọc Lâm bức xúc: Nhiều ông chồng bị vô sinh mà nhà chồng cứ đổ cho con dâu, tội nghiệp.
Nói thật, khi nào tôi làm ra tiền, có nhà riêng thì mới lấy chồng. Lấy chồng cũng ở riêng, không sống chung với nhà chồng. Chẳng thà ít gặp mà quý nhau như khách, còn hơn cứ phải sống chung, chịu đựng lẫn nhau, nếu không thích nhau. Cuộc đời có bao nhiêu lâu mà phải chịu đựng như vậy? Có thể tôi không lấy được chồng, nhưng thà vậy... Phận làm dâu, nhiều khi đau lòng lắm.   

Thu Liên

Trong khi đó, BĐ Quang Huy thốt lên: Thời này là thời nào rồi mà còn trọng nam khinh nữ? Con gái bây giờ có hiếu với cha mẹ hơn, biết chăm lo cho gia đình hơn, còn quý hơn cả đám con trai. BĐ Tâm Ðoan cho rằng: Trai gái gì bây giờ cũng đầy áp lực. Nào học hành, nghề nghiệp, cưới hỏi, con trai nối dõi... Riết tết không dám về nhà, vì cứ bị hỏi "Khi nào lấy chồng? Con gái lớn rồi...". Ngay tới điện thoại nhà gọi cũng có lúc không dám nghe, vì luôn có cái câu "biết rồi hỏi mãi mà cứ hỏi". BĐ Giáp cho biết: Đời mình sợ nhất là về quê. Những chuyện cổ hủ, lạc hậu, mê tín... mà giờ này vẫn còn. Lại cứ so bì, đố kỵ... Chuyện con trai nối dõi, thích thì đi mà đẻ con trai...

Đừng gây áp lực cho nhau

Cái vụ trọng nam khinh nữ đã khiến nhiều người, nhiều gia đình lâm vào bi kịch. Tôi là đàn ông, nhưng nói thật tôi thích con gái hơn là con trai.   

Ðông Hải

Là một người đàn ông, BĐ Nhàn tâm sự: Nói thật khi vợ có bầu, siêu âm biết con trai tôi rất mừng. Nhưng khi vợ sinh, thấy vợ quá khổ, lúc đó nhìn thấy con tay chân lành lặn, mắt mũi miệng... đầy đủ, là tôi quá mừng rồi, chẳng còn nghĩ tới con trai hay con gái. Sau này có lúc nghĩ lại, thấy mình thật nhẫn tâm, vô lý khi cứ đòi có con trai. Khi vợ có bầu đứa thứ 2, tôi nói ngay, trai gái gì cũng “thương nhất nhà”. Vợ nhìn tôi nước mắt trào ra...

Tôi thấy ở dâu hay ở rể cũng đều có chuyện phức tạp của nó. Lý tưởng nhất là ở riêng. Muốn vậy cả vợ chồng phải giỏi, có công việc, kinh tế khá giả... Nhưng thường ở tuổi lập gia đình, trai gái lại chưa có đủ những điều kiện trên.   

Hiền

Chia sẻ của BĐ Nhàn được nhiều BĐ khác ủng hộ, cho rằng: “Đừng nên gây áp lực cho nhau về chuyện “người nối dõi”, nhất là ở phía nhà chồng”. BĐ Kim Trang lo lắng: Cùng là phụ nữ mà tôi thấy nhiều người phụ nữ bên chồng lúc nào cũng khắc nghiệt với con dâu, nhất là trong việc đẻ con trai. Sao không thương nhau một chút?
Nói về trường hợp một phụ nữ đã có mấy đứa con gái, phải phá thai để chờ... đứa tiếp theo là con trai, BĐ Khánh Giao cho biết: Phá thai để chờ... con trai, đọc tới đó mà thấy quá đau lòng. Con trai hay con gái đều là con mình, sao nỡ bỏ đi? Đêm về có mơ thấy con gọi mình không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.