Reuters đưa tin Iran hôm qua tăng cường lực lượng cảnh sát chống bạo loạn tại thủ đô Tehran khi người biểu tình và truyền thông Iran gia tăng áp lực lên giới lãnh đạo nước này liên quan đến vụ vô tình bắn rơi máy bay Ukraine làm 176 người thiệt mạng. Trước đó vào đêm 11.1, cảnh sát sử dụng hơi cay đối phó hàng ngàn người xuống đường biểu tình tại Tehran và một số thành phố khác.
Áp lực từ chức
Iraq muốn mua S-400 của NgaTờ The Wall Street Journal hôm qua dẫn lời ông Karim Elaiwi thuộc Ủy ban An ninh và Quốc phòng tại Quốc hội Iraq cho biết nước này đang cân nhắc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, giữa lo ngại Mỹ có thể ngưng hỗ trợ. “Chúng tôi đang trao đổi với Nga về tên lửa S-400 nhưng chưa ký hợp đồng. Chúng tôi cần những tên lửa này, đặc biệt là sau khi người Mỹ nhiều lần khiến chúng tôi thất vọng vì không giúp chúng tôi có được vũ khí thích hợp”, ông Elaiwi nhấn mạnh. Cùng ngày, các quan chức tại Iraq cho hay Mỹ cảnh báo về việc đóng tài khoản của quốc gia Trung Đông này tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nếu Baghdad tiếp tục kế hoạch trục xuất binh sĩ Mỹ khỏi khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ có thể không gia hạn miễn cấm vận liên quan đến việc Iraq nhập khẩu khí và máy phát điện từ Iran khi hết hạn vào tháng 2.
|
Nhiều người biểu tình chỉ trích trực tiếp Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đồng thời kêu gọi những quan chức liên quan đến vụ bắn hạ máy bay của Hãng hàng không Ukraine International Airlines hôm 8.1 phải từ chức và chịu trách nhiệm.
Tờ Etemad của Iran hôm qua đăng dòng tít lớn với nội dung “xin lỗi và từ chức”. Theo bài báo, nhiều người trong số 176 nạn nhân là người Iran mang quốc tịch kép.
Cũng trong hôm qua, tờ Jomhuri-ye Eslami cũng của Iran đăng bài xã luận yêu cầu “những cá nhân trì hoãn công bố lý do máy bay rơi và làm tổn thương lòng tin của người dân vào chính quyền cần bị cho nghỉ việc hoặc nên từ chức”. Trước đó vào ngày 11.1, quân đội Iran bất ngờ thừa nhận bắn rơi chiếc máy bay dân dụng vì tưởng nhầm là tên lửa hành trình giữa lúc căng thẳng với Mỹ.
Sau khi biểu tình xảy ra ở Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter bằng tiếng Anh và tiếng Ba Tư rằng Washington đang “theo dõi sát sao những cuộc biểu tình của các bạn và có cảm hứng bởi sự can đảm của các bạn”. Tuy nhiên, theo Đài Al Jazeera, một số ý kiến phản hồi chỉ trích Tổng thống Trump và nhắc lại việc ông dọa đánh bom các địa điểm văn hóa cũng như việc Mỹ cấm vận Iran.
Đại sứ Anh bị tạm giữ
Cuộc biểu tình tại Tehran còn dẫn đến việc cơ quan chức năng Iran tạm giữ Đại sứ Anh Rob Macaire bên ngoài Đại học Amir Kabir ở thủ đô Tehran, theo Hãng tin Tasnim. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi cho biết ông Macaire “bị bắt vì là một người nước ngoài lạ mặt tại một cuộc biểu tình bất hợp pháp” và được thả 15 phút sau đó, khi danh tính của ông được xác nhận. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran cho hay đã triệu tập ông Macaire vì việc ông xuất hiện tại cuộc biểu tình. Ông Macaire khẳng định chỉ đến trường dự lễ tưởng niệm các nạn nhân. Sau sự việc, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab chỉ trích Iran “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”, còn Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Iran xin lỗi vì vi phạm Công ước Vienna.
Theo AFP, đại diện Ngoại giao và An ninh cấp cao kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell hôm qua chỉ trích vụ tạm giữ ông Macaire, đồng thời kêu gọi các bên xuống thang căng thẳng. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi đến Tehran nhằm tìm giải pháp cho căng thẳng đang leo thang trong khu vực, cùng với thông điệp rằng Pakistan luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi nỗ lực giải quyết các bất đồng bằng biện pháp chính trị và ngoại giao. Bên cạnh đó, chính phủ Qatar thông báo Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani sẽ thăm Tehran để tìm giải pháp hòa bình những diễn biến ở khu vực. Theo AFP, Qatar có quan hệ gần gũi với Mỹ và là nước có căn cứ quân sự lớn nhất của Washington trong khu vực, nhưng cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Iran và đồng sở hữu mỏ khí thiên nhiên lớn nhất thế giới là Nam Pars/Bắc Dome.
Bình luận (0)