Áp lực học sinh cuối cấp: Không vào trường chuyên sẽ là kẻ thất bại?

10/12/2022 15:07 GMT+7

Để có thể bước vào trường chuyên, một số học sinh đã phải đối mặt với lượng học và chương trình nặng hơn các bạn đồng trang lứa. Điều này đã tạo nên những áp lực khiến các học sinh cuối cấp 'chùn chân' khi kỳ thi đang đến gần.

"Chạy đua" học trước chương trình để luyện đề

Với nguyện vọng vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, N.H.Y (học sinh lớp 9 tại một trường THCS ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ bản thân khá áp lực về mặt tinh thần, lo lắng không làm tốt được bài thi tuyển sinh. "Em muốn vào trường chuyên để mở ra cơ hội học hỏi nhiều điều hay và mới mẻ cho bản thân. Nếu không đạt được nguyện vọng như mong muốn thì em sẽ luôn cho rằng mình dở tệ, thất bại”, Y. nói.

Nữ sinh cho biết, trung bình mỗi ngày chỉ ngủ tầm 5-6 giờ và thường xuyên thức khuya để ôn, học tiếng Anh. "Kiến thức ở trường là dành cho tập thể nên khi quyết định thi chuyên em đã tự lên kế hoạch. Mỗi tuần, em phải hoàn thành ít nhất là 5 đề thi tiếng Anh, học một số lượng từ vựng và nắm rõ các cấu trúc ngữ pháp. Khoảng tháng 2, em sẽ bắt đầu nâng cao lên với những đề thi của Hà Nội, TP.HCM hoặc các trường chuyên", nữ sinh cho hay.

Học sinh lớp 9 áp lực để có "tấm vé" vào trường THPT đúng nguyện vọng

Phi Vân

Chính những áp lực này khiến Y. có những lúc muốn từ bỏ giấc mơ của mình. “Mỗi lần giải đề khó, em lại thấy sức mình không đủ, nản chí và nghĩ đến việc bỏ thi chuyên”, nữ sinh tâm sự. Dù ba mẹ không tạo bất kỳ áp lực nào nhưng mỗi lần thấy Y. mất tập trung, sử dụng điện thoại hay ngủ nhiều thì lại cho tình hình học tập của con tụt dốc.

Tương tự, N.T.G (học sinh lớp 9 một trường THCS tại TP.Thủ Đức) đặt mục tiêu vào Trường Phổ thông Năng khiếu-ĐH Quốc gia TP.HCM và cho biết phải "chạy đua" học trước chương trình để có thêm thời gian luyện đề.

T.G chia sẻ: "Em đã xếp lịch học tập từ hè và đặt mục tiêu trong năm sẽ hoàn thành. Em cũng tham khảo nhiều nguồn tài liệu học tập khác trên mạng, kết bạn với những anh chị trường cấp 3 mà mình đặt nguyện vọng để học tập kinh nghiệm, trao đổi những thắc mắc".

Theo T.G, trường chuyên là ước mơ cũng như là thử thách chứng minh thực lực của bản thân. "Nguyện vọng trường thường của em là trường THPT Nguyễn Hữu Huân. Ba mẹ cũng có chia sẻ, định hướng nhưng em được quyết định nguyện vọng của mình".

Để chuẩn bị cho kỳ thi, T.G đang theo học 2 môn chuyên văn và toán, các thầy cô có tài liệu môn chuyên riêng và trên lớp sẽ được cho thêm nhiều bài tập nâng cao.

"Trong quá trình học, em đã được thầy cô chia sẻ về cấu trúc đề chuyên. Kiến thức trên lớp chỉ đủ đối với đề thường, còn đề chuyên cần phải tham khảo rất nhiều tài liệu cũng như học tập chăm chỉ. Hiện tại, em tập trung học vững kiến thức, sau mỗi buổi học tóm tắt bài theo cách hiểu của mình và luyện thêm đề để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi", T.G nói.

Bên cạnh việc học 3 môn chính để thi tuyển sinh lớp 10 và một môn chuyên, T.G còn dành thời gian đầu tư cho các môn còn lại. "Tuyển sinh là việc rất quan trọng nhưng điểm tốt nghiệp THCS cũng vậy. Em sẽ cân bằng học tập tất cả các môn, vừa không để mình bị yếu môn nào cũng làm cho hồ sơ mình thêm đẹp", T.G nói.

Với lịch học dày đặc, T.G cho biết: "Thường xuyên thức khuya nên sức khỏe em cũng khá đáng lo ngại. Tuy nhiên, ba mẹ cũng động viên, đưa em đi chơi vào cuối tuần khi thấy em quá căng thẳng".

'Cô ơi không thi tuyển sinh nữa được không?'

Trao đổi với PV Thanh Niên, cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 Trường THCS Khánh Bình (Q.8, TP.HCM), cho biết, chương trình học tập các cấp hiện nay nghiêng về kỹ năng thực hành nên một số em chưa đáp ứng được kiến thức nền sẽ cảm thấy quá tải trước chương trình khá nặng. Những môn như toán, tiếng Anh gần như là không giới hạn nên học sinh phải học tất cả kiến thức để thi tuyển.

"Giáo viên vẫn dạy theo phân phối chương trình nhưng với 3 môn tuyển sinh 10 sẽ tập trung dạy kiến thức trọng tâm, tăng thời lượng cho học sinh làm bài tập, thực hành bên cạnh lý thuyết. Đồng thời, thầy cô sẽ giới hạn những kiến thức quan trọng từ đầu năm học", cô nói.

Kiến thức trên lớp chỉ đủ đối với đề thường, còn đề chuyên cần phải tham khảo rất nhiều tài liệu cũng như học tập chăm chỉ

N.T.G (học sinh lớp 9 một trường THCS tại TP.Thủ Đức)

Cô Thương khuyên học sinh nên sắp xếp quá trình ôn luyện phù hợp, không để dồn kiến thức đến cuối năm để giảm bớt áp lực và học tập hiệu quả. "Các em hãy xác định mong muốn, sở trường và phấn đấu đúng với mục tiêu, năng lực của bản thân. Đừng đặt nặng so sánh với các bạn khác vì mỗi người có đích đến khác nhau", cô khuyên.

Theo cô Thương, tình trạng căng thẳng, áp lực của học sinh cuối cấp là những vấn đề năm nào cũng gặp phải. Cô chia sẻ: "Thời gian đầu đến giữa học kỳ 2, một số em vẫn khá thoải mái. Tuy nhiên, vào giai đoạn nước rút, gần thi tuyển sinh 10 thì học sinh áp lực ra mặt, tôi thấy được các biểu hiện như thường xuyên mệt mỏi, lo lắng. Các em lo sợ lượng kiến thức quá nhiều không tiếp thu được hết, làm bài không được, không đậu đúng ngôi trường mình đã chọn".

Khối lượng kiến thức nhiều là thử thách cho các học sinh cuối cấp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cô Thương nói thêm: "Có năm, tôi từng gặp học sinh lo lắng đến mức hỏi rằng 'Cô ơi cho con không thi tuyển sinh 10 nữa được không?'. Đối với những trường hợp như vậy, tôi sẽ tâm sự, tìm hiểu nguyên nhân các em căng thẳng và liên hệ với phụ huynh".

Về công tác tư vấn tuyển sinh 10, cô Thương cho hay, không phải học sinh nào cũng có nguyện vọng vào THPT và không phải học sinh nào cũng có khả năng đậu vào trường cấp 3 công lập. "Là giáo viên chủ nhiệm, tôi thường cung cấp thông tin đầy đủ chính xác cho phụ huynh, học sinh về loại hình học tập sau khi tốt nghiệp THCS. Trường công lập, trường tư hay các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng nghề có ưu nhược điểm như thế nào".

Cô cũng lý giải, bản thân thường làm công tác tư tưởng trước khi các em chốt nguyện vọng, hạn chế việc học sinh chọn xong lại cảm thấy căng thẳng, quá tải. "Tôi cũng trao đổi để phụ huynh hiểu được năng lực, nguyện vọng của con em, đáp ứng được điều kiện như sở thích, khả năng, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế gia đình... để có lựa chọn phù hợp".

Cô Thương cũng nhắn nhủ với học sinh cuối cấp: "Sự nỗ lực rất quan trọng và không có con đường duy nhất nào dẫn đến thành công. Dù các em không học tiếp lên THPT mà lựa chọn học nghề hay bất cứ con đường nào khác phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân, các em chỉ cần phát huy hết khả năng ở vị trí của mình sẽ thành công trong tương lai".

"Thầy cô và gia đình cần thấu hiểu tâm tư của các em. Nếu các em đã chọn con đường thi tuyển sinh lớp 10 thì phụ huynh cần động viên, ủng hộ chứ không nên áp đặt thành tích, buộc phải đậu trường cụ thể khiến học sinh căng thẳng. Thầy cô cần có phương pháp giảng dạy để học sinh tin tưởng rằng lượng kiến thức tuy nhiều nhưng bản thân vẫn có thể tiếp thu và làm bài, không bị mông lung khi đi thi", cô Nguyễn Thị Thương chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.