Hơn hai thập kỷ qua, Apple đã xây dựng công ty giá trị nhất thế giới ở Trung Quốc. Hiện công ty lắp ráp gần như tất cả sản phẩm và tạo ra 1/5 doanh số bán hàng tại đây. Đổi lại, Apple cũng phải tuân theo luật chơi của chính phủ Trung Quốc.
Apple lưu dữ liệu khách hàng trên máy chủ của chính phủ Trung Quốc
Đáp lại luật năm 2017, Apple đồng ý chuyển dữ liệu khách hàng Trung Quốc sang các trung tâm dữ liệu do nhà nước sở tại điều hành. Nhân viên chính phủ sẽ đích thân kiểm soát trung tâm này. Apple cũng trao cho họ khóa kỹ thuật số để mở khóa dữ liệu và từ bỏ công nghệ mã hóa để chiều lòng Trung Quốc.
Theo lời các chuyên gia bảo mật và kỹ sư Apple, việc Apple nhượng bộ sẽ cho phép chính quyền Trung Quốc truy cập vào email, ảnh, danh bạ, lịch và dữ liệu vị trí của người dân nước họ.
Phía Apple biện minh rằng công ty vẫn giữ quyền kiểm soát khóa dữ liệu và đang sử dụng công nghệ mã hóa tiên tiến hơn ở Trung Quốc. Công ty tuyên bố: "Chúng tôi chưa bao giờ xâm phạm bảo mật người dùng hoặc dữ liệu của họ ở Trung Quốc hay bất cứ nơi nào".
Apple chia sẻ dữ liệu khách hàng với chính phủ Trung Quốc
Luật pháp Mỹ cấm Apple chuyển giao dữ liệu cho chính quyền Trung Quốc, nhưng từ khi chuyển cơ sở dữ liệu sang Trung Quốc, Apple đã thỏa thuận với chính phủ sở tại nhằm qua mặt luật pháp Mỹ.
Apple tạo ra Guizhou-Cloud Big Data (GCBD) - công ty thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh Quý Châu, đồng thời cũng là chủ sở hữu hợp pháp dữ liệu iCloud của khách hàng Trung Quốc. Sau khi Apple và GCBD cùng ký thỏa thuận về iCloud, nhà chức trách Trung Quốc có thể yêu cầu dữ liệu khách hàng Apple thông qua GCBD thay vì trực tiếp từ Apple.
Trước khi thỏa thuận diễn ra, Apple khẳng định chưa bao giờ cung cấp nội dung trong tài khoản iCloud khách hàng cho chính quyền Trung Quốc. Thực chất Apple đã tiết lộ t trong 9 trường hợp khác nhau.
Apple chủ động gỡ bỏ ứng dụng để xoa dịu giới chức Trung Quốc
Apple mở một bộ phận chuyên xóa các ứng dụng có thể vi phạm quy tắc của Trung Quốc, đồng thời đào tạo những nhân viên chuyên đánh giá ứng dụng, dùng phần mềm đặc biệt để rà soát ứng dụng nhắc đến các chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc như nền độc lập Tây Tạng, Đài Loan, Quảng trường Thiên An Môn, phong trào tinh thần Pháp Luân Công, Đức Đạt Lai Lạt Ma...
Apple cấm ứng dụng của tỉ phú chống chính quyền
Năm 2018, cơ quan quản lý internet Trung Quốc ra lệnh cho Apple từ chối ứng dụng từ Guo Wengui - tỉ phú Trung Quốc từng lên án nạn tham nhũng trong đảng Cộng sản. Ngay sau đó Apple đưa Guo Wengui vào danh sách cấm ở Trung Quốc và quét tất cả ứng dụng có nhắc đến tên vị tỉ phú này.
Lần nọ, một ứng dụng của Guo vô tình vượt qua hàng rào kiểm duyệt và xuất hiện trên App Store, giới chức Trung Quốc lập tức liên lạc với Apple. Trưởng bộ phận đánh giá ứng dụng của công ty gấp rút gửi email cho đồng nghiệp vào 2 giờ 32 sáng để thông báo mọi ứng dụng từ Guo Wengui đều không được phép xuất hiện trên App Store Trung Quốc. "Nhà táo" cũng nhanh chóng sa thải nhân viên đã phê duyệt ứng dụng của Guo Wengui.
Hàng chục nghìn ứng dụng iPhone biến mất ở Trung Quốc
Kể từ năm 2017, khoảng 55.000 ứng dụng đang hoạt động đã "bốc hơi" khỏi App Store Trung Quốc, dù vẫn có mặt ở nhiều quốc gia khác.
Hơn 35.000 ứng dụng trong số đó là ứng dụng game, phải thông qua các cơ quan quản lý. Số còn lại có thể là ứng dụng của hãng tin nước ngoài, dịch vụ hẹn hò đồng tính, ứng dụng nhắn tin mã hóa... Apple cũng chặn các ứng dụng về Đức Đạt Lai Lạt Ma và ứng dụng kêu gọi biểu tình dân chủ.
Bình luận (0)