Ra mắt năm 2018 và đạt doanh thu trên 1 tỉ USD (toàn cầu), bom tấn Aquaman được DC Studios và hãng Warner Bros. bật đèn xanh cho phần hai - Aquaman and the Lost Kingdom (Aquaman và vương quốc thất lạc). Tác phẩm ra mắt tháng 12 năm nay, có James Wan tiếp tục ngồi ghế đạo diễn.
Sau khi đánh bại em trai Orm/Ocean Master (Patrick Wilson đóng) và tống hắn vào tù, Arthur Curry/Aquaman (Jason Momoa) trở thành vua của vương quốc đáy biển Atlantis. Khi con trai đầu lòng chào đời, Arthur thoái chí khi phải sống hai cuộc đời: bậc quân vương cai trị bảy đại dương, và người cha mỗi đêm phải thay tã cho con.
Ngày nọ, kẻ thù cũ David Kane/Black Manta (Yahya Abdul-Mateen II) trở lại, rắp tâm hủy diệt mọi thứ Arthur yêu quý. Với sức mạnh từ cây đinh ba ma quỷ, hắn trở nên bất khả chiến bại, dồn Atlantis vào bờ vực diệt vong. Để bảo vệ vương triều, Arthur đành giúp Orm vượt ngục, với hy vọng hai anh em hợp sức sẽ đẩy lùi được mối họa chung.
Kỹ xảo mãn nhãn nhưng 'an toàn'
Theo Variety, kinh phí của Aquaman and the Lost Kingdom khoảng 205 triệu USD - thấp hơn một số bom tấn siêu anh hùng ra mắt trong năm nay như The Marvels (275 triệu USD) hay The Flash (220 triệu USD). Tuy nhiên, phần hình ảnh của phim ở mức tốt, ít điểm chê. Xuyên suốt tác phẩm, phim không ngừng phô diễn thế mạnh kỹ xảo. Nhóm thiết kế chi tiết hóa các kiến trúc cung điện, đền đài mang màu sắc thần thoại pha trộn khoa học viễn tưởng của xứ Atlantis. Những bức tượng thần, đền đài, đối nghịch với các thiết bị cơ khí hiện đại, tăng tính huyền ảo cho vùng đất hư cấu dưới lòng nước sâu.
Ở quê nhà của Aquaman còn tồn tại nhiều quần thể động - thực vật đa dạng. Đó có thể là những sinh vật phù du phát sáng nhờ lân tinh, những phương tiện di chuyển kết hợp sinh học và máy móc, hay các nhóm người dưới đáy biển muôn hình vạn trạng. Trong một trường đoạn khi Arthur và Orm xâm nhập một sòng bạc của giới tội phạm, họ chạm trán các tay anh chị nửa người nửa cá, đang chơi những trò cờ bạc mô phỏng thế giới con người. Ở cảnh khác, họ chạy trốn khỏi bầy châu chấu khổng lồ, xung quanh là những cây ăn thịt khổng lồ mang đến trải nghiệm thú vị cho người xem.
Khán giả còn được chiêu đãi những pha cận chiến căng thẳng, với phần chỉ đạo võ thuật đẹp mắt được cài cắm xuyên suốt phim. Ở các cảnh chiến đấu, đội ngũ dựng phim sử dụng linh hoạt nhạc nền hùng tráng, nhạc rock, opera... để đẩy cao trào và tăng độ hưng phấn cho khán giả.
Song, công bằng mà nói, mảng miếng hành động trong Aquaman 2 không có gì vượt trội phần đầu tiên. Trận đấu tay đôi giữa Orm và Arthur trong phần một hấp dẫn không kém, nếu không muốn nói là có nhiều góc quay độc đáo hơn giữa Arthur và Black Manta trong phần hai. Chưa kể, do sức mạnh của Black Manta chủ yếu đến từ cây đinh ba, nên nhân vật nhiều lần lép vế trước chính diện, làm giảm bớt độ hồi hộp của kịch bản. Độ bấp bênh, trạng thái “mạng sống như chỉ mành treo chuông” của Arthur và Orm gần như không còn, khi phim bị thêm thắt quá nhiều lời thoại gây cười.
Kịch bản cũ kỹ, bị mỉa mai là 'Thor dưới nước'
Không ít bình luận từ các diễn đàn quốc tế mỉa mai Aquaman 2 chỉ là “Thor phiên bản dưới nước”, sau khi trailer của phim ra mắt. Cụ thể, kịch bản phim giống từ tuyến nhân vật đến diễn biến của Thor: The Dark World (2013). Phim do hãng Marvel sản xuất có tình tiết thần sấm Thor là vua của Asgard, song phải vào tù để tìm kiếm viện trợ từ gã em trai phản trắc Loki. Chưa hết, cả hai phim đều xoay quanh một “bảo vật” cổ xưa, giúp nhân vật phản diện sở hữu sức mạnh kinh hồn.
Trong phim, có tình tiết Arthur gọi Orm là “Loki”, hàm ý hãng DC nhận thức được phim bị so sánh với đối thủ Marvel. Trong Aquaman 2 cũng có các tình tiết mỉa mai nội dung của loạt phim Thor, thông qua những lời thoại “đâm chọt” của Arthur dành cho Orm. Tuy nhiên, theo quan sát, loạt chi tiết không nhận được sự đồng cảm từ những khán giả của suất chiếu đầu tiên. Một phần vì các câu thoại mỉa mai của Jason Momoa không được nhấn nhá đúng lúc, khó tạo thành điểm nhấn. Mặt khác, phim điện ảnh của DC vốn bị các tín đồ lâu năm nhận xét là “công thức”, “đi sau” Marvel, nên việc chọc ngoáy này giống như “chó chê mèo lắm lông”.
Kịch bản “đầu voi đuôi chuột” là điểm yếu khác của Aquaman 2. Phần hai cố gắng theo đuổi nhiều từ khóa vĩ mô như “biến đổi khí hậu”, “hiệu ứng nhà kính”; tuy nhiên cách cài cắm còn lộ liễu. Thay vì dùng nhiều hình ảnh tương đồng giúp khán giả tự tưởng tượng, thoại phim hết lần này đến lần khác nhấn mạnh việc phản diện Black Manta khai thác quặng Olrichalcum sẽ khiến băng tan, làm trái đất nóng dần lên. Kết hợp chuỗi thông điệp về tình anh em, đạo lý làm vua, tác phẩm như cuốn sách giáo khoa bị biên soạn vụng về, đầy tính giáo điều.
Đến phần hai, James Wan tiếp tục dùng khái niệm “true king” (quân vương chân chính) như chiếc cân vô hình để luận đạo làm vua của hai anh em Arthur và Orm. Song, cách khai thác của nhà làm phim gốc Á rất kỳ quặc. Để thượng tôn yếu tố gây cười, sự nghiêm túc và trăn trở của Orm bị cho là cực đoan, độc đoán; trong khi đó, chuỗi hành động liều lĩnh, cảm tính của Arthur lại được các nhân vật khác trong phim ca tụng. Chẳng hạn, trước câu thoại “Vị vua chân chính sẽ xây cầu”, chàng Aquaman cục súc chỉ hiểu được theo nghĩa đen, quyết định… húc đổ bức tượng để làm cầu vượt vực thẳm. Các tình tiết Aquaman ngồi ngáp giữa buổi triều chính, vương miện rơi lăn lóc... càng khiến khán giả hoài nghi: Anh có thực sự là “true king”, có gì tốt đẹp hơn Orm?
Xuyên suốt phim, người xem dễ thấy James Wan chịu ảnh hưởng nhiều từ cặp Thor - Loki trong việc xây dựng tình anh em của cặp Aquaman - Ocean Master. Nhà làm phim nhiều lần tạo tình huống gây cười qua việc Arthur chơi khăm Orm như lừa anh ta ăn gián, hay ném em trai mình vào kẻ địch. Song, các chi tiết thiếu thuyết phục, do Arthur và Orm không có tuổi thơ sống cùng nhau như Thor và Loki. Ở giữa phim, mối bất hòa giữa họ được giải quyết nhanh chóng, khiến Orm không khó đoán, bí ẩn như phiên bản Marvel của mình.
Cũng bởi phía biên kịch tập trung cảnh hành động và mảng miếng hài hước, diễn xuất của dàn sao không nổi bật, dù sở hữu những cái tên sáng giá như Patrick Wilson, Nicole Kidman. Jason Momoa có nhiều đất diễn, song lối diễn của anh thiếu điểm nhấn, nhiều pha bị gồng. Thời lượng của Amber Heard bị cắt ngắn sau vụ kiện với chồng cũ Johnny Depp, làm cho vai của cô nhạt nhòa hơn rất nhiều so với phần một.
Nhìn chung, Aquaman and the Lost Kingdom chỉ đẹp về phần nhìn, còn nhiều hạn chế ở mặt nội dung. Xét mặt bằng chung phim dựa trên truyện tranh DC, tác phẩm ở mức giải trí tốt. Song, việc lựa chọn những kịch bản an toàn sẽ không phải là bước đi khôn ngoan của hãng Warner Bros., trong bối cảnh dòng phim siêu anh hùng đang có xu hướng thoái trào.
Bình luận