Quan sát

Armenia 'chia tay' trong ấm ức

27/02/2024 09:34 GMT+7

Như có thể dự đoán trước, Armenia đã quyết định tạm ngừng sự tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) được thành lập năm 2002 với các thành viên là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Sau 2 lần chiến tranh gần đây nhất với Azerbaijan ở vùng Nagorny Karabakh, Armenia thực tế đã mất quyền kiểm soát và quản lý vùng này về tay Azerbaijan. Vì thế, ở Armenia - cả chính phủ lẫn người dân - đều không còn tin tưởng Nga nữa, không còn kỳ vọng gì được nữa vào sự bảo hộ an ninh của Nga, cho dù trên lãnh thổ Armenia hiện vẫn có căn cứ quân sự của Nga. Từ đó, Armenia có lẽ thấy không còn cần thiết cũng như có lợi ích tiếp tục tham gia CSTO.

Armenia 'chia tay' trong ấm ức- Ảnh 1.

Thủ tướng Nikol Pashinyan (trái) của Armenia bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin

REUTERS

Động thái này của Armenia trước hết nhằm vào Nga, thể hiện khoảng cách với Nga. Điều đó còn tạo tiền đề và bầu không khí chính trị thuận lợi cho Armenia xích lại gần Mỹ, NATO và EU. Tâm trạng thất vọng và ấm ức của Armenia về Nga không phải mới bộc lộ, mà đã thể hiện từ khá lâu nay rồi. Mỹ, EU và NATO đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để tranh thủ Armenia, lôi kéo Armenia về phía họ, phân rẽ Armenia với Nga, tăng cường sự hiện diện trực tiếp về chính trị cũng như quân sự và an ninh ở Armenia và vùng Caucasus, qua đó còn kiềm chế Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhưng trước hết thu hẹp và vô hiệu hóa ảnh hưởng của Nga ở khu vực này. Nga không thể không ấm ức về Armenia bởi bị bất lợi lớn.

Armenia đã quyết định chia tay Nga nhưng vẫn duy trì dư địa trở lại và giữ con bài tạo thế cho mình ở khu vực cũng như cho quan hệ với các đối tác liên quan. Đó là việc Armenia chưa chính thức ra khỏi liên minh an ninh tập thể nói trên và chưa đóng cửa căn cứ quân sự của Nga trên lãnh thổ Armenia. Dù vậy, cục diện chính trị an ninh khu vực đã thay đổi và rạn vỡ với Nga không dễ được khắc phục.

Điểm xung đột: Hé lộ quy mô hợp tác Kyiv-CIA; NATO có thể đưa quân vào Ukraine?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.