Âu thuyền Tắc Thủ xây dựng tại ngã ba sông Ông Đốc - sông Cái Tàu - sông Trẹm (thuộc xã Hồ Thị Kỷ, H.Thới Bình và xã Khánh An, H.U Minh, Cà Mau). Công trình được Bộ GTVT đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2006 với kinh phí khoảng 80 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Nhà điều hành âu thuyền Tắc Thủ cũng bị bỏ hoang |
“Thật quá lãng phí tiền của nhà nước”
Âu thuyền Tắc Thủ được thi công bằng bê tông cốt thép, có hình chữ U, chiều dài 206 m, chiều rộng 14 m. Đây là công trình thủy lợi có quy mô lớn trong chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau, làm nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ cho hơn 200.000 ha đất sản xuất thuộc vùng ngọt hóa.
Công trình bao gồm các hạng mục: âu thuyền, kênh dẫn thượng/hạ lưu âu, cống ngăn mặn, kênh dẫn thượng/hạ lưu cống, đập đất, cơ khí cửa âu, cửa cống và hệ thống điện điều khiển, kiến trúc (nhà điều hành, nhà ở công nhân, đường bãi nội bộ và cảnh quan), điện chiếu sáng.
Tuy nhiên, do hệ thống công trình kiểm soát mặn ven biển Tây, âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu)... chưa được đầu tư đồng bộ nên âu thuyền Tắc Thủ không được vận hành, khai thác như mục tiêu đề ra, gây bức xúc cho người dân. Ông Thái Văn Đức (ngụ xã Khánh An, H.U Minh) cho biết: “Từ khi hoàn thành đến nay đã hơn 16 năm nhưng âu thuyền Tắc Thủ chưa một lần vận hành. Công trình chẳng có tác dụng gì ngoài chuyện gây cản trở giao thông đường thủy của cả khu vực. Thật quá lãng phí tiền của nhà nước”. Suốt thời gian dài, âu thuyền Tắc Thủ là đề tài bàn tán của người dân Cà Mau về sự lãng phí.
PV Thanh Niên ghi nhận khu vực công trình bị hoang hóa, cây cỏ mọc um tùm. Do nhiều năm không được vận hành, bảo trì nên cửa âu thuyền hư hỏng hoàn toàn; các hạng mục khác cũng xuống cấp nghiêm trọng… Sông Ông Đốc nối liền sông Cái Tàu về U Minh chảy ra biển Tây rồi theo dòng sông Trẹm về Kiên Giang - là tuyến vận tải đường thủy quan trọng nối Cà Mau với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Việc âu thuyền chặn giữa ngã ba sông khiến các phương tiện gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.
Theo người dân địa phương, công trình nằm trên tuyến giao thông thủy chính của Cà Mau đi các địa phương lân cận. Do lòng dẫn âu thuyền hẹp (14 m) nên khi ghe tàu qua lại khu vực này gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Văn Định (40 tuổi, chủ phương tiện tải hàng) cho biết: “Hơn 10 năm tôi chạy ghe vận chuyển hàng qua âu thuyền và có không ít lần va chạm cửa âu thuyền. Do chiều ngang âu thuyền nhỏ và cạn nên ghe của tôi đi qua gặp nhiều khó khăn, nhất là khi thủy triều thấp. Đã vậy, âu thuyền án ngự giữa sông làm quá trình bồi, lắng diễn ra nhanh hơn. Tôi đi lại thường xuyên trên sông nên biết rõ, hồi âu thuyền mới làm xong, đoạn gần cửa sâu 5 - 6 m, nhưng giờ chỉ sâu hơn 1 m, người dân lội giăng lưới còn được”.
Âu thuyền Tắc Thủ xây dựng gần 80 tỉ đồng nhưng 16 năm qua chưa vận hành, xung quanh cỏ mọc um tùm |
GIA BÁCH |
Sắp chuyển giao sau 16 năm “đắp chiếu” ?
Thời điểm thi công, âu thuyền Tắc Thủ được xem là công trình thủy lợi quy mô lớn nằm trong chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau. Dự án này ra đời từ những năm 1990. Đến năm 2000, dự án cơ bản không còn phù hợp khi nông dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang phá hàng loạt đê ngăn mặn để đưa nước mặn vào nuôi tôm và Chính phủ cho phép chuyển đất lúa kém hiệu quả ở bán đảo Cà Mau sang nuôi trồng thủy sản.
Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thủy lợi ven biển Tây của Bộ NN-PTNT, quy mô gồm: mở rộng cống, sửa chữa âu thuyền cũ và xây mới một âu thuyền; cụm công trình từ âu thuyền Tắc Thủ đến cống Cà Mau. Mục tiêu là cùng với cống Cái Lớn - Cái Bé chủ động kiểm soát mặn, điều tiết nguồn nước cho vùng phía nam sông Cái Lớn, vùng Bắc Cà Mau. Thời gian thực hiện dự án 4 năm, tính từ ngày khởi công. Dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến 715 tỉ đồng.
Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, thông tin: Âu thuyền Tắc Thủ từ khi hoàn thành đến nay chưa được vận hành do người dân tự động phá vỡ hệ thống ngọt hóa, tự chuyển dịch sang nuôi tôm nên không đóng cống để ngọt hóa được. Sau đó, người dân chuyển dịch lại, làm một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Lúc đó, các cống vận hành lại để giữ ngọt nhằm sản xuất vụ lúa rồi mới lấy nước vào nuôi tôm, nhưng âu thuyền Tắc Thủ đã tháo cửa, không còn vận hành.
Hiện nay, một số hệ thống công trình thủy lợi như Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1 - Kiên Giang), âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu) đã được đầu tư đưa vào vận hành. Bộ NN-PTNT đang đề nghị Bộ GTVT bàn giao toàn bộ hiện trạng công trình âu thuyền cho Bộ NN-PTNT để đầu tư, sửa chữa, nhằm kết hợp với hệ thống thủy lợi hiện có để phát huy công năng ban đầu.
Theo nghiên cứu của Bộ NN-PTNT, nếu âu thuyền Tắc Thủ vận hành trở lại sẽ cùng cống Cái Lớn - Cái Bé, các cống ven biển An Biên - An Minh và hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp kiểm soát mặn, điều tiết nguồn nước cho vùng phía nam sông Cái Lớn, vùng Bắc Cà Mau; giúp dẫn nước từ dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 phục vụ cho 220.000 ha hệ sinh thái nước ngọt và 50.000 ha lúa - tôm ở tỉnh Cà Mau…
Đồng thời, giữ ngọt từ cuối mùa mưa đến hết tháng 12 hằng năm để phục vụ sản xuất khoảng 75.000 ha ở H.U Minh, H.Thới Bình (Cà Mau), H.Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Hỗ trợ cấp nước có độ mặn thấp, phục vụ nuôi trồng thủy sản trong mùa khô với diện tích khoảng 120.000 ha ở H.Thới Bình, TP.Cà Mau (Cà Mau), H.Phước Long, TX.Giá Rai (Bạc Liêu), H.Vĩnh Thuận (Kiên Giang), kiểm soát triều cường, hỗ trợ tiêu úng, giảm ngập cho khu vực.
Ông Phan Văn Duy, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía nam (đơn vị được Bộ GTVT giao quản lý âu thuyền Tắc Thủ) cho biết: “Bộ GTVT đã quyết định bàn giao âu thuyền Tắc Thủ về Ban Quản lý đầu tư - xây dựng thủy lợi 10 (thuộc Bộ NN-PTNT). Trình tự thủ tục đang được xúc tiến, Bộ NN-PTNT đã duyệt nhận dự án để khi Bộ GTVT chuyển sang thì cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lại. Tôi nghĩ sẽ bàn giao sớm thôi”.
Hệ thống cống phải vận hành đồng bộ
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian qua, vùng bán đảo Cà Mau tuy được đầu tư các công trình thủy lợi nhưng chưa đồng bộ khi chủ yếu khép kín các tiểu vùng nhỏ. Do hệ thống thủy lợi của vùng hiện chưa được hoàn thiện nên chưa kiểm soát được mặn, thiếu sự duy trì và điều tiết nguồn nước ngọt... Chính vì vậy, hằng năm, tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nguồn nước ngọt cho lúa vụ, nhất là lúa - tôm, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân ở khu vực.
Theo ông Hoai, tỉnh Cà Mau rất ủng hộ chủ trương vận hành trở lại âu thuyền Tắc Thủ. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, thành công thì các công trình thủy lợi trong vùng phải được xây dựng đồng bộ và vận hành nhịp nhàng. Mô hình sản xuất lúa - tôm được xem là mô hình nông nghiệp thông minh, hiệu quả cao, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa - tôm thời gian qua chưa bền vững, vì hay thiếu nước ngọt vào thời điểm cuối vụ. Vì vậy, nếu kiểm soát mặn ngọt hiệu quả, sẽ giúp vùng sản xuất lúa - tôm Bắc Cà Mau ổn định và hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể cấp nước ngọt bổ sung vào mùa khô cho hệ thống thủy lợi tiểu vùng 2 và 3.
“Khi đi vào hoạt động, nhất định hệ thống cống ở 3 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu phải vận hành đồng nhất. Cả 3 tỉnh phải có sự thỏa thuận đến thời điểm nào đóng thì lúc đó mới ngọt tại chỗ của Cà Mau. Khi Cà Mau đóng mà tỉnh bạn chưa đóng thì cũng khó giữ ngọt, hiệu quả sẽ không có”, ông Hoai nói.
Bình luận (0)