Mong ngóng nước sạch
Thông tin từ UBND tỉnh Kon Tum cho biết dự án công trình thủy lợi Đăk Pokei có tổng mức đầu tư trên 553 tỉ đồng, lấy từ nguồn ngân sách T.Ư và địa phương. Dự án được giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.
Dự kiến cuối năm 2022, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành |
Dự án với mục tiêu đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp tại TP.Kon Tum và H.Kon Rẫy; tạo nguồn nước sinh hoạt cho 35.000 người. Ngoài ra, dự án còn nhằm điều tiết giảm lũ hạ du, chủ động nguồn nước chống cháy rừng…Theo thiết kế, dự án sẽ xây dựng đập bê tông trọng lực cao 44 m ngăn suối Đăk Pô Ne tạo hồ, hệ thống kênh mương dài 27 km, hệ thống cấp nước sinh hoạt và nhiều hạng mục khác.
Bà Y Cleoh (42 tuổi, ở xã Đăk Ruồng) cho biết bà nghe nói hồ thủy lợi Đăk Pokei rục rịch xây dựng từ năm 2018, người dân địa phương vẫn luôn ngóng đập thủy lợi đi vào hoạt động để phục vụ nhu cầu sử dụng của bà con. “Mình ở đây nhiều năm rồi, nhưng mỗi đợt khô hạn lại thiếu nước tưới và nước sinh hoạt hằng ngày. Gia đình phải đào giếng để lấy nước sử dụng nhưng nước nhiều phèn nên chỉ có thể tắm, giặt giũ chứ không thể ăn uống được. Những ngày mưa, gia đình phải chuẩn bị thùng, xô chậu để hứng nước dùng dần”, bà Y Cleoh nói.
Tương tự, chị Y Loan (30 tuổi, cũng ở xã Đăk Ruồng) cho biết chị đang sử dụng dự án nước sạch của huyện nhưng có những ngày mưa nước bị đục, vàng, không thể ăn uống được. Do đó, gia đình chị phải đi xin nước của hàng xóm để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Không chỉ vậy, diện tích cây trồng luôn thiếu nước tưới, đặc biệt vào mùa khô. “Việc thiếu nước ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình mình. Những hôm hàng xóm hết nước, phải mang can chạy xuống nhà ngoại khá xa để chở nước về sử dụng. Thiếu nước cực lắm, nên mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thi công để bà con có nước sử dụng và tưới cho cây trồng”, chị Y Loan bày tỏ.
Bà Y Cleoh (trái) kể về nỗi mong ngóng nước sạch |
ĐỨC NHẬT |
Chậm hoàn thành vì nghi phóng xạ
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Kon Tum, cho hay công trình được phê duyệt đầu tư từ năm 2018. Tuy nhiên, do trên đầu nguồn con suối Đăk Pô Ne có 1 mỏ khoáng sản, do nghi ngờ có chất phóng xạ nên Bộ TN-MT ra văn bản yêu cầu tạm dừng khởi công dự án để khảo sát. Đến năm 2019, kết quả khảo sát cho thấy lượng phóng xạ nằm trong phạm vi cho phép, có thể sử dụng nước để sản xuất, sinh hoạt. Do đó cuối năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum mới phê duyệt thiết kế, kỹ thuật của công trình.
“Đầu năm 2020 chúng tôi mời thầu xây lắp. Đến tháng 6.2020 mới ký hợp đồng với nhà thầu. Lúc này là cao điểm mùa mưa nên việc thi công gặp khó khăn. Đến cuối năm 2020, công trình mới thực sự được xây dựng. Trong khi đó mọi vật tư thiết bị đều phải mua ở các tỉnh khác. Thời điểm này dịch Covid-19 đang bùng phát do đó việc thi công bị đình trệ”, ông Tuấn giải thích.
Cũng theo ông Tuấn, đến cuối năm 2022, công trình thủy lợi này sẽ đi vào hoạt động và phục vụ theo đúng mục tiêu giai đoạn 1 của dự án. Theo đó, công trình sẽ đảm bảo cấp nước tưới cho 1.000 - 1.600 ha đất sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt cho 15.000 người.
Bình luận (0)