Azerbaijan và Armenia từ chối đàm phán dù Nga có làm trung gian

30/09/2020 14:57 GMT+7

Armenia và Azerbaijan ngày 30.9 cáo buộc lẫn nhau tấn công vào lãnh thổ của họ, đồng thời từ chối đàm phán hòa bình giữa lúc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh toàn diện.

Cả Armenia và Azerbaijan cáo buộc lẫn nhau nổ súng tại khu vực biên giới và vùng Nagorno-Karabakh. Vùng Nagorno-Karabakh chứng kiến giao tranh ác liệt giữa quân đội Azerbaijan và lực lượng người Armenia thiểu số từ ngày 27.9, theo Reuters. Xung đột vẫn tiếp diễn bất kể lời kêu gọi ngừng bắn từ phía Nga, Mỹ và các nước quốc gia khác nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột bùng phát thành chiến tranh toàn diện.
Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev ngày 30.9 thẳng thừng loại trừ mọi khả năng đàm phán hòa bình. Cùng ngày, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho rằng đàm phán hòa bình không thể diễn ra khi giao tranh vẫn đang tiếp diễn.

Chiến sự Armenia - Azerbaijan: vũ khí hạng nặng tham chiến

Các bên đều tuyên bố có hàng chục người chết cùng hàng trăm người bị thương kể từ khi xung đột bùng nổ hôm 27.9. Phía Azerbaijan cho biết tính đến ngày 30.9, có 12 thường dân thiệt mạng và 35 người bị thương vì những đợt tấn công từ Armenia. Vùng Nagorno-Karabakh ghi nhận ít nhất 84 binh sĩ người Armenia thiểu số thiệt mạng. Riêng phía Armenia không công bố con số thương vong.
Sau cuộc họp kín ngày 29.9, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) gồm 15 thành viên đưa ra tuyên bố "bày tỏ quan ngại" về các vụ đụng độ, lên án việc sử dụng vũ lực và ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres về việc ngừng giao tranh ngay lập tức.
Căng thẳng gia tăng khi Armenia cáo buộc một chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Armenia trong không phận Armenia, khiến phi công thiệt mạng. Phía Armenia không đưa ra bằng chứng cụ thể và Thổ Nhĩ Kỳ cùng Azerbaijan bác bỏ cáo buộc này.
"Cộng đồng quốc tế nên quyết liệt lên án hành động gây hấn của Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi khu vực này. Sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến xung đột lan rộng”, Thủ tướng Armenia nói.
Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan, ông Aliyev cáo buộc Armenia bịa đặt ra vụ bắn hạ máy bay. “Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một bên trong cuộc xung đột, không có cách nào để tham gia vào cuộc xung đột và cũng không cần thiết phải làm như vậy”, ông Aliyev lưu ý.
Azerbaijan xem vùng Nagorno-Karabakh và một dải lãnh thổ nối liền với Armenia là lãnh thổ có chủ quyền của riêng mình. Chính quyền Azerbaijan cáo buộc người Armenia chiếm đóng trái phép Nagorno-Karabakh trong cuộc chiến kết thúc vào năm 1994. Còn người Armenia thiểu số ở Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập, thành lập nước Cộng hòa Artsakh, nhưng đến nay chỉ được mỗi Armenia công nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.