Hôm 1.8, nhà cựu lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi (Ong san su chi) đã được chính quyền quân sự nước này ân xá một phần.
Theo truyền thông địa phương, bà Aung San Suu Kyi đã được ân xá 5 trong số 19 tội danh đã tuyên án, và được giảm 6 năm tù từ bản án 33 năm tù ban đầu.
Bà Suu Kyi (78 tuổi) luôn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới mình, bao gồm từ kích động, gian lận bầu cử đến tham nhũng, và cũng đã kháng cáo.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar nói rằng động thái này nằm trong khuôn khổ đặc xá toàn quốc nhân mùa chay của Phật giáo. Cùng với bà, trong dịp này, hơn 7.000 tù nhân khác cũng được chính quyền quân sự ân xá.
Bà Suu Kyi đã bị giam giữ sau cuộc chính biến vào đầu năm 2021. Hồi tuần trước, bà Suu Kyi được chuyển từ giam giữ sang quản thúc tại gia.
Ngoài ra, chính quyền quân sự nước này cũng ban lệnh ân xá một phần cho cựu Tổng thống Win Myint (win my-in), người cũng bị bắt giữ vào cùng thời điểm.
Theo Reuters, một nguồn tin thân cận cho biết cả bà Suu Kyi và ông Win Myint vẫn đang bị quản thúc tại gia.
Bà Suu Kyi là con gái của vị anh hùng giành độc lập cho Myanmar. Bà bị quản thúc tại gia lần đầu tiên vào năm 1989, sau các cuộc biểu tình phản đối chính sách cai trị của chính quyền quân đội trong nhiều thập niên trước đó.
Năm 1991, bà đoạt giải Nobel Hòa bình do lãnh đạo các cuộc vận động dân chủ. Bà Suu Kyi được trả tự do hoàn toàn vào năm 2010.
Trong khuôn khổ các cải cách ở Myanmar, năm 2015, bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2015. Đảng của bà tiếp tục chiến thắng ở kỳ bầu cử tháng 11.2020.
Tuy nhiên, quân đội Myanmar cho rằng có gian lận về phiếu bầu và tuyên bố nắm quyền để đảm bảo quá trình điều tra các khiếu nại. Đảng của bà Suu Kyi đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc trên.
Cuộc chính biến năm 2021 đã dẫn đến xung đột đẫm máu, khiến hàng nghìn người bị bỏ giam giữ hoặc thiệt mạng.
Người phát ngôn của cái gọi là Chính phủ Thống nhất Quốc gia, tổ chức của những người ủng hộ cựu lãnh đạo Suu Kyi và lực lượng phản đối chính quyền, cho rằng việc quyết định xá một phần cho thấy quân đội nước này đang cảm nhận sức ép không chỉ từ phương Tây mà cả các quốc gia láng giềng.
Hôm 31.7 vừa qua, chính quyền quân sự Myanmar quyết định tạm hoãn cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 8, đồng thời kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng. Giới chỉ trích cho rằng động thái trên sẽ kéo dài cuộc khủng hoảng ở nước này.
Bình luận