Black Hornet (ong bắp cày đen) là một UAV siêu nhỏ, chỉ nặng khoảng 17-18 gram. UAV này nhìn như một trực thăng mini, dài khoảng 100 mm và rộng 25 mm, với đường kính cánh quạt chính là khoảng 120 mm.
Nhờ 3 camera riêng biệt, nó có thể cung cấp hình ảnh và video có độ phân giải cao của môi trường xung quanh.
Black Hornet có thời gian bay lên đến 25 phút với tốc độ tối đa 21 km/giờ, được trang bị liên kết dữ liệu kỹ thuật số có hiệu quả trong phạm vi lên đến 1,6 km.
Black Hornet giá bao nhiêu?
Giá cho một con "ong bắp cày đen" Black Hornet vào khoảng 195.000 USD. Đây là số liệu từ hợp đồng mua 160 bộ Black Hornet với giá khoảng 31 triệu USD của Bộ Quốc phòng Anh.
Chi ra 195.000 USD, người mua sẽ sở hữu một điều khiển từ xa, một màn hình cảm ứng cầm tay, một bộ pin sạc và một thiết bị bay mini hai trong một đựng trong hộp chống va đập đặc biệt có thể đeo được.
Black Hornet đã được triển khai ở đâu?
Black Hornet do công ty khởi nghiệp Na Uy Prox Dynamics phát triển, ra mắt vào năm 2011, và tới nay hơn 14.000 chiếc đã được sản xuất.
Na Uy và các quân đội thuộc NATO, cũng như Algeria, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, New Zealand và Nam Phi đã trang bị loại UAV này cho lực lượng quân đội và cảnh sát.
Lần đầu tiên Black Hornet được triển khai trên chiến trường là vào năm 2013, do các binh sĩ Anh sử dụng trong chiến dịch của NATO ở Afghanistan. Mỹ bắt đầu sử dụng phiên bản Black Hornet nâng cấp với khả năng quan sát ban đêm và cải thiện điều khiển trong năm 2015.
Nhưng Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên cung cấp Black Hornet cho Ukraine. Anh và Na Uy đã cam kết cung cấp cho Ukraine tổng cộng hơn 1.800 thiết bị này cùng phụ tùng thay thế, cũng như huấn luyện sử dụng. Quá trình đào tạo được cho là chỉ mất khoảng 20 phút.
Làm sao chống lại Black Hornet?
Kích cỡ siêu nhỏ và hoạt động không gây tiếng động giúp Black Hornet tránh được các tên lửa phòng không thông thường, dù ở cự ly gần thì một túi đồ tạp hóa được ném chuẩn cũng có thể phá hủy chúng.
Tuy nhiên, chúng có thể bị các thiết bị đặc biệt, như hệ thống radar RLK-MT của Nga, tiêu diệt. Hệ thống RLK-MT bao gồm một module radar X-band, máy ảnh nhiệt, và một module tìm nguồn tín hiệu vô tuyến nhưng hệ thống này cồng kềnh đến nỗi phải được lắp đặt trên một xe tải.
Ngoài ra, hệ thống chống UAV cấp quân sự như PARS-S Stepashka, một loại súng chống drone nặng 9,6 kg của Nga, có thể cướp điều khiển thiết bị bay không người lái của đối phương và buộc chúng phải hạ cánh hoặc quay về vị trí phóng. Những vũ khí này có tầm hoạt động hiệu quả trong từ 500 đến 1.500 m.
Súng trường Stupor sử dụng xung điện từ để ngăn chặn hệ thống điều khiển của các thiết bị bay cũng có thể tiêu diệt Black Hornet.
UAV giá rẻ của Nga trở thành mối đe dọa mới của Ukraine
Bình luận (0)