Ba chị em tình nguyện chống dịch ở TP.HCM: Mẹ ngoài quê là hậu phương vững chắc

20/09/2021 12:18 GMT+7

Cùng tham gia chống dịch, ba chị em cố gắng, hỗ trợ lẫn nhau với hy vọng một ngày không xa TP.HCM sẽ 'khỏe' lại. Với họ, "mẹ là hậu phương vững chắc".

Giấu mẹ đi chống dịch

Trần Thị Tú Linh và em gái Trần Thị Huyền Trang (quê ở Quảng Trị) có một phòng khám nha khoa ở Q.Gò Vấp (TP.HCM). Em út Trần Thị Thanh Tuyền, hiện là sinh viên năm nhất Khoa Răng Hàm Mặt của Trường đại học Văn Lang. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Tú Linh tạm thời đóng cửa phòng khám. 5 ngày sau khi đóng cửa, Tú Linh và Huyền Trang quyết định đăng ký tham gia vào lực lượng chống dịch với mong muốn góp sức mình đẩy lùi dịch bệnh.

Thanh Tuyền, Huyền Trang hỗ trợ đo huyết áp cho người dân khi đến tiêm

NVCC

“Sau khi đóng cửa phòng khám, tôi thấy dịch căng quá nên hai chị em quyết định góp chút công sức của mình giúp đỡ mọi người. Ít ngày sau, em út Thanh Tuyền cũng tình nguyện đăng ký tham gia. Mẹ ở nhà một mình nên khi gọi báo ba chị em cùng đi, mẹ cũng sợ nguy hiểm nên không muốn cho đi. Dù vậy, tôi với hai em giấu mẹ, vẫn âm thầm đăng ký. Tham gia được khoảng một tuần, gọi điện về hỏi thăm, mẹ thấy lạ lạ nên lúc đó cũng không giấu nữa, mẹ phát hiện ba chị em lén đi tình nguyện”, Tú Linh nói.
Mẹ ở nhà một mình nên sau mỗi ca trực, ba chị em đều gọi điện báo tình hình để mẹ yên tâm. Mẹ cũng động viên ba chị em cẩn thận, giữ gìn sức khỏe. Thời điểm hiện tại, ở quê nhà Quảng Trị đang có mưa bão, cô lo lắng cho mẹ nên tranh thủ gọi về dặn dò, nhắc nhở mẹ tránh bão an toàn.

Thanh Tuyền luôn được hai chị hướng dẫn trong khi làm việc

NVCC

Thời gian đầu, Tú Linh tham gia vào đội tư vấn online F0 điều trị tại nhà ở P.5 (Q.Gò Vấp). Sau đó, cô đến các điểm tiêm chủng, hỗ trợ khám sàng lọc cho người dân. Huyền Trang và Thanh Tuyền cũng vào các đơn vị tiêm chủng để tiêm, kiểm tra huyết áp cho mọi người.
“Mới làm ba chị em tách ra 3 điểm khác nhau. Em út Thanh Tuyền mới tiếp xúc nên có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng không làm được nên tôi cũng động viên mạnh dạn với công việc, làm dần sẽ quen. Hai em đi làm cũng sợ, có lúc nhụt chí muốn ở nhà. Tôi có nói rằng nếu nghỉ đồng nghiệp của mình sẽ phải làm gấp đôi, gánh nặng công việc nhiều hơn nên phải cố gắng để nhiều người được tiêm, dịch bệnh sẽ được kiểm soát”, chị cả Tú Linh tâm tình.

TP.HCM đã tiêm hơn 1 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho người từ 65 tuổi, bệnh nền

“Cống hiến hết mình mong nhanh hết dịch”

Tham gia chống dịch, Tú Linh có được nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Cô thấy rất ý nghĩa và cảm động khi nhận những lời cảm ơn, ly trà sữa, gói bánh hay những chiếc khẩu trang khi người dân gửi tặng đoàn nhân viên y tế. Cô luôn hy vọng TP.HCM sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường. Sau khi hết dịch, việc đầu tiên cô làm là mở lại phòng khám, hỗ trợ bệnh nhân.
Với Huyền Trang, đây là cơ hội để ba chị em hiểu nhau hơn khi ở với nhau trong thời gian dài. Hiện ba chị em ở chung với nhau và hỗ trợ chống dịch tại P.11 (Q.Gò Vấp).

Ba chị em ở chung với nhau trong lúc chống dịch nên không ai cảm thấy cô đơn

NVCC

“Ba chị em ở chung một nhà, chung một khung giờ nên cũng có nhiều thuận lợi, không ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của người khác. Tối đến chị em mình lại dành khoảng 1 tiếng gọi về cho mẹ. Mẹ là hậu phương vững chắc ở phía sau. Bình thường mỗi người ở một nơi, người đi học, người đi làm, nhưng 2 tháng nay được sống cùng nhau nên cảm giác đi chống dịch cũng không còn cô đơn”, Huyền Trang tâm tình.
Em út Thanh Tuyền cho biết thời gian đầu tham gia chống dịch cô cảm thấy lo lắng vì sợ không có nhiều kinh nghiệm. Nhưng được hai chị hướng dẫn, cô tự tin hơn, quen dần với công việc mình phụ trách.

Xong việc cả ba đều gọi điện hỏi thăm tình hình của mẹ ở quê nhà

NVCC

“Có hai chị cạnh bên em thấy yên tâm hơn rất nhiều. Sài Gòn mùa hè rất nóng nhưng nhiều khi bất chợt đổ cơn mưa, mặc đồ bảo hộ, mồ hôi ướt như tắm nên nhận lời hỏi thăm, động viên của người dân em cũng thấy ấm lòng. Hy vọng người dân không chủ quan, bảo vệ sức khỏe của mình, yêu thương trân trọng nhau để nhanh chóng hết dịch”, Thanh Tuyền nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.