Người đàn ông ngồi xe lăn kêu gọi quyên góp
Cùng với cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt, các công nhân tại xã biên giới Ia O (H.Ia Grai, Gia Lai) cũng đóng góp sức mình cho đồng bào vùng lũ, với tinh thần “của ít lòng nhiều”.Ngồi trên chiếc xe lăn, phải dùng ống thông tiểu, ông Phan Quốc Huy (41 tuổi) tự mang quà đến ủng hộ miền Trung lũ lụt, khiến nhiều người xúc động. Ông cũng là người cùng đứng ra kêu gọi xóm làng chung tay hướng về miền Trung.
Ông Huy có hoàn cảnh rất đặc biệt. Trong một vụ tai nạn, ông bị liệt cả hai chân. Ngồi trên xe lăn 6 năm nay, ông vẫn là lao động chính trong gia đình, nuôi 2 con nhỏ ăn học. Mặc dù hoàn cảnh ngặt nghèo, gia đình không dư dả, nhưng ông Huy vẫn đi đầu trong quyên góp ủng hộ miền Trung lũ lụt.
Trả lời PV Thanh Niên, ông chia sẻ rằng bản thân rất đồng cảm với người dân miền Trung, vì ông cũng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất khó khăn này. Người đàn ông quê ở Quảng Ngãi tâm sự: “Tôi không có nhiều quà mà đóng góp tinh thần là chính. Bà con ở đây ai cũng vậy. Tôi thấy thương đồng bào mình quá nên muốn tự tay giúp đỡ, chứ không suy nghĩ điều gì khác”.
Cùng kêu gọi với ông Huy còn có anh Lữ Văn Tùng (30 tuổi) - công nhân cạo mủ cao su tại đây. Vừa qua giá mủ cao su giảm nên thu nhập của công nhân cũng bị ảnh hưởng nhiều. Dù vậy khi thấy miền Trung lũ lụt liên tiếp, họ cùng nhau quyên góp, kêu gọi chia sẻ với phương châm “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
|
Món quà của những người miền Trung tha hương
Xã Ia O là một xã biên giới của tỉnh Gia Lai, là nơi lập nghiệp những người tha hương, vào nam lập nghiệp nhưng một lòng vẫn hướng về quê nhà. Anh Lữ Văn Tùng chia sẻ: “Khi hay tin miền Trung bị lũ, tôi rất xót xa. Miền Trung vừa là khúc ruột của Tổ quốc, vừa là quê hương của bà con trong này, nên tôi thấy mình phải làm gì đó”.
Người dân trong xã đóng góp từng thùng mì tôm, hộp sữa đến cái áo, cái chăn. Ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều, nhờ vậy mà chỉ sau một ngày kêu gọi, xã đã quyên góp được 400 thùng mì tôm và rất nhiều thuốc men, quần áo. “Có những người đi đường, anh thợ điện, đi ngang qua nơi tập trung hàng hóa cũng xin được đóng góp chút ít. Họ chạy vội đi mua thùng mì tôm, chai nước rồi gửi cho chúng tôi”, anh Tùng chia sẻ.
Thông qua mạng xã hội, anh Tùng nắm được thông tin lũ đã rút dần và người dân miền Trung rất cần các nhu yếu phẩm khác ổn định cuộc sống. Do vậy anh cùng bà con trong xã mang mì tôm đến các cửa hàng tạp hóa trong xã để đổi lấy sữa, đường, nước mắm, băng vệ sinh với giá trị tương ứng. Quá trình mua và trao đổi hàng hóa đều được anh Tùng công khai trên trang facebook cá nhân để bà con được rõ.
Suốt đêm 23.10, bà con trong xã Ia O gần như không ngủ. Họ tất bật chuẩn bị đồ đạc xếp lên xe gửi ra miền Trung. Làm việc thâu đêm nhưng họ luôn nở nụ cười và ánh mắt tin tưởng ngày mai thôi, đồng bào vùng lũ sẽ nhận được tình cảm của những người công nhân miền biên giới xa xôi.
Anh Lữ Văn Tùng cho biết bản thân rất tiếc khi không thể theo đoàn ra Quảng Bình, vì còn phải mưu sinh. Anh chia sẻ: “Những món quà mà tôi và bà con xã biên giới này gửi là tình cảm thân ái giữa những người đồng bào".
Hàng hóa được chất đầy lên 2 xe tải và sáng 24.10, đoàn xe đã lăn bánh, hướng về huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Đoàn đã liên hệ trước với chính quyền địa phương để có thể đến những nơi xa xôi nhất, thiếu thốn nhất của huyện.
Bình luận (0)