Bà Harris vừa nhận món quà lớn từ Tổng thống Biden?

Văn Khoa
Văn Khoa
02/08/2024 08:32 GMT+7

Cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và phương Tây trong nhiều thập niên có thể mang lại tác động tích cực cho Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng, theo Reuters.

Cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và phương Tây hôm 1.8 có thể giúp Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh bóng di sản chính sách đối ngoại của mình trong những tháng cuối nhiệm kỳ, theo Reuters.

Tuy thành tích của Tổng thống Biden trên trường thế giới có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, nhưng cuộc trao đổi tù nhân phức tạp, đa quốc gia với Nga vừa diễn ra đã mang lại một thành tựu chính sách đối ngoại rất cần thiết trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng.

Tổng thống Biden tặng món quà lớn cho bà Harris?

Đạt một thỏa thuận mang tính bước ngoặt như trên được cho là một việc đầy khó khăn trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, trong đó Washington đang cung cấp vũ khí cho Kyiv để chống lại chiến dịch quân sự của Nga, khiến mối quan hệ Moscow-Washington xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Bà Harris vừa nhận món quà lớn từ Tổng thống Biden?- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về việc trả tự do cho những người Mỹ bị giam giữ ở Nga trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 1.8

Reuters

Tuy nhiên, việc trao đổi tù nhân đã diễn ra thành công, hướng tới giải quyết những gì mà các trợ lý của Tổng thống Biden từ lâu xác định là ưu tiên trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là sau khi ông dừng chiến dịch tái tranh cử và ủng hộ bà Harris trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử vào tháng 11.

"Đó là một thành tựu. Ngoại giao thông minh đã tạo ra thành tựu này. Việc đưa những người Mỹ bị bắt giữ và giam giữ bất công trở về là một phần trách nhiệm của bất kỳ chính phủ nào", ông Dennis Ross, cựu cố vấn Trung Đông trong chính quyền Mỹ, bình luận.

Bà Harris vừa nhận món quà lớn từ Tổng thống Biden?- Ảnh 2.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris

REUTERS

Tổng thống Biden đã ca ngợi việc trao đổi tù nhân là một "chiến tích ngoại giao", và việc này có thể mang lại cho bà Harris một điểm tích cực để đưa ra trong chiến dịch tranh cử chống lại ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump, theo Reuters.

Sau khi những người Mỹ bị giam ở Nga được thả, bà Harris viết trên mạng xã hội X rằng bà cảm thấy “nhẹ nhõm khi biết rằng nỗi thống khổ khủng khiếp của họ đã qua và họ sẽ sớm được đoàn tụ với gia đình". Bà Harris còn nhấn mạnh bà và Tổng thống Biden sẽ không "ngừng làm việc cho đến khi mọi người Mỹ bị giam giữ hoặc làm con tin một cách bất công được đưa về nhà", theo tờ The Wall Street Journal

Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ với The Wall Street Journal rằng bà Harris đã đóng vai trò trong các cuộc đàm phán với các đồng minh để đảm bảo thỏa thuận trao đổi tù nhân nói trên. Vị quan chức cho biết thêm bà Harris đã gặp riêng Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Slovenia Robert Golob tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 để thúc giục cả hai nhà lãnh đạo thúc đẩy thỏa thuận.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng việc trả tự do cho những người Nga bị kết tội nghiêm trọng để đổi lấy những người Mỹ mà Washington cho là bị giam giữ bất công có thể khuyến khích kẻ thù của Mỹ bắt cóc con tin. Mối lo ngại đó nhanh chóng khiến ông Biden phải hứng chịu các cuộc công kích từ đảng Cộng hòa, theo Reuters.

Cuộc trao đổi tù nhân mới diễn ra sau hơn một năm đàm phán khó khăn. Cuộc trao đổi này cũng liên quan Đức và các đồng minh châu Âu khác, với 24 tù nhân được trao đổi, trong đó có 4 người được giao lại cho Mỹ và 8 người được gửi về Nga.

Điểm quan trọng của thỏa thuận là Đức đồng ý với yêu cầu chính của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thả Vadim Krasikov, người bị kết án về tội giết một cựu binh Chechnya.

Ông Jeff Rathke, từng là nhà ngoại giao Mỹ và hiện là chủ tịch của Viện Mỹ-Đức tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định cuộc trao đổi tù binh lần này phản ánh mối quan hệ được cải thiện đáng kể giữa Đức và Mỹ dưới thời Tổng thống Biden so với thời ông Trump còn làm chủ nhân Nhà Trắng.

Ông Rathke còn cho rằng chính phủ Đức đã đồng ý "vì Mỹ và Đức có sự tin tưởng và lợi ích chung ở một mức độ cho phép vài điều khó khăn trong hệ thống tư pháp Đức xảy ra và gây ra sự chỉ trích trong nước".

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ với Washington, và giới chức thuộc chính quyền Tổng thống Biden cho hay thỏa thuận nói trên dường như là cuộc trao đổi chỉ diễn ra một lần, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.