Theo CNN, trong cuộc phỏng vấn hôm 28.2, bà Bhattacharya cho hay Ấn Độ đang quan tâm nhiều về những gì diễn ra ở Mỹ. Bà nhắc đến ba lý do chính.
Thương mại
Chủ tịch SBI cho hay Mỹ là một trong những đối tác thương mại chính của Ấn Độ. Thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ là 109 tỉ USD năm 2015, theo số liệu Phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố hồi tháng 10.2016. Cả hai nước đều cho hay muốn nâng con số này lên 500 tỉ USD trong vài năm tới.
Chương trình nghị sự “American First” của Tổng thống Trump có thể làm hỏng kế hoạch trên. Ông đã và đang kêu gọi doanh nghiệp Mỹ mang công ăn việc làm và hoạt động sản xuất về nước. Dù vậy, các hãng như Apple, Tesla và Boeing vẫn chưa ngừng mở rộng hoặc lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Ấn.
Không như Mexico và Trung Quốc, Ấn Độ vẫn chưa là mục tiêu chỉ trích nặng nề của ông Trump về mặt thương mại. Song hiện không có gì bảo đảm rằng họ sẽ không chịu chỉ trích trong tương lai.
Lãi suất
Lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tác động rất nhiều đến thế giới, bà Bhattacharya cho biết. Việc Fed tăng lãi suất như lần họ vừa hành động vào tháng 12.2016 có thể hút tiền chảy khỏi các thị trường mới nổi như Ấn Độ. Lý do là vì giới đầu tư tận dụng lợi thế của lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn.
Giới chức Fed cho biết họ sẽ tăng lãi suất chậm, nhưng kế hoạch chi tiêu đậm cho cơ sở hạ tầng có thể thúc đẩy lạm phát Mỹ, buộc Fed phải tăng lãi suất nhanh hơn. Lãi suất Mỹ lên cao có thể đẩy giá trị USD đi lên so với các đồng tiền khác, chẳng hạn như rupee của Ấn Độ. Điều này có thể giúp cho các nhà xuất khẩu, song sẽ làm tổn thương những doanh nghiệp đi vay bằng đô la Mỹ. Nó cũng có thể đẩy cao lạm phát ở đất Ấn.
Ngoài ra, Ấn Độ là nước nhập khẩu lớn dầu thô, mặt hàng vốn được định giá bằng đô la Mỹ. Với việc Fed dự kiến nâng lãi suất vào tháng này, quốc gia Nam Á có thể nhìn về phía Mỹ với con mắt e dè.
Thị thực
Lo lắng trước mắt của Ấn Độ khi nhắc đến Mỹ là động thái mạnh tay với các thị thực làm việc, chẳng hạn như visa H-1B.
“Chúng tôi có rất nhiều công dân làm việc tại Mỹ”, bà Bhattacharya chia sẻ. Chính quyền ông Trump cho biết họ có ý định thay đổi chương trình visa H-1B và nhiều loại visa khác, có thể ngăn trở quá trình xin visa của hàng ngàn kỹ sư Ấn Độ đang chờ được xét.
Cổ phiếu của các hãng gia công phần mềm Ấn Độ, những công ty hưởng lợi từ visa H-1B, giảm mạnh khi thông tin thay đổi chương trình thị thực xuất hiện. Các sinh viên kỹ thuật Ấn Độ có vẻ như đang xem xét lại kế hoạch ở Mỹ. Dù vậy, bà Bhattacharya cũng chung ý kiến với giới lãnh đạo công nghệ Ấn Độ, những người cho rằng Mỹ cần người nhập cư để giữ nền kinh tế vận hành ổn định.
“Một trong những thế mạnh lớn của Mỹ là sự mở cửa và điều này đã và đang thu hút nhân tài hàng đầu từ phần còn lại của thế giới. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ từ bỏ lợi thế này một cách vội vàng”, Chủ tịch SBI nhận định.
tin liên quan
Ấn Độ tính đánh thuế đám cưới xa xỉMột nghị sĩ Ấn Độ vừa đưa ra dự thảo luật mới vì bà muốn người dân nước này ngưng chi đậm cho tiệc cưới.
Bình luận (0)