Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen

Ba má tôi thích mắc võng ngoài sân kể chuyện gió mây

07/09/2023 20:38 GMT+7

"Mở cửa đón gió trời, xài điều hòa chi cho tốn điện bây", má tặc lưỡi khi thấy con rể đóng kín cửa sổ, chuẩn bị mở điều hòa cho mẹ con tôi vào ngủ. Câu này tôi nghe đi nghe lại nhiều lần. Nghe nhiều đến mức thuộc cả giọng điệu lên xuống mỗi khi má vào TP.HCM thăm cháu.

Hồi lúc về ở cữ đứa con đầu, tôi năn nỉ gãy cả lưỡi để sửa sang căn phòng, lắp thêm điều hòa để nằm cho mát mẻ. Với lại đã quen ngủ máy lạnh khi ở TP.HCM, về quê không khí nóng bức tôi chịu không được. Nhưng chưa kịp nói hết câu má đã quát, "điều hòa gì mà điều hòa, ở cữ phải kiêng gió, kiêng lạnh. Nếu nóng quá thì bật quạt hoặc quạt nhẹ tay cho thằng nhỏ thôi".

Ba má tôi thích mắc võng ngoài sân kể chuyện gió mây  - Ảnh 1.

"Điều hòa gì cho tốn điện. Biết bao người ở vùng không có điện, không có điều hòa vẫn sống khỏe, sống tốt. Tiết kiệm điện một chút để bảo vệ môi trường"

KHẢ HÒA

Má là giáo viên gần về hưu. Trong tiềm thức tôi, bà là người nghiêm khắc và giỏi giang, bởi từ mái nhà vách đất, một tay má dạy học, rồi bưng gánh bán buôn để lo toan chuyện ăn học của 3 đứa con gái, rồi nên nhà nên cửa và cũng trả nợ cho chồng vì làm ăn thua lỗ. Phải chăng vì xuất phát điểm trong cái thiếu nghèo, khó khăn nên bà càng trân quý hai chữ "tiết kiệm". 

Có lúc em gái út của tôi than thở, mùa đông thì không sao, chứ mấy ngày hè, ở cái xứ "gió như phan, nóng như rang" này, lại thêm nhà thấp nên càng hầm, buổi trưa không thể vào phòng nằm nổi vì nóng như cái nồi áp suất. Đến mức út nói sẽ tự bỏ tiền mua máy điều hòa về lắp để "ngủ cho sướng", nhưng má cũng lại quát vào mặt "điều hòa gì cho tốn điện. Biết bao người ở vùng không có điện, không có điều hòa vẫn sống khỏe, sống tốt. Tiết kiệm điện một chút để bảo vệ môi trường". Má nói đúng quá nên út không dám cãi.

Có hôm nghe dì bảy khoe thằng con học điện lực mới mách mẹo tiết kiệm điện hiệu quả, là lắp đèn tự phát sáng. Nghe đến đoạn vì nhờ thay hết các bóng đèn đó mà tháng vừa rồi nhà dì giảm gần 100 nghìn tiền điện thì mắt má sáng rỡ lên. Bà lật đật chạy về nhà hối thúc ba tìm mua loại bóng đèn cảm ứng đó về thay những bóng đèn cũ trong nhà. "Qua nhà ai má cũng khoe, rồi khuyên người ta lắp đèn này để tiết kiệm điện, vừa ích nước vừa lợi nhà. Tự nhiên út thấy má thành chuyên gia tiết kiệm điện", út trêu khiến má cười sang sảng.

Chưa hết, tối đến, trước khi đi ngủ má sẽ mở tung hết cửa sổ để "ngắm trăng thanh gió mát" mà không cần phải bật quạt. Lên TP.HCM thăm cháu mấy ngày mà bà than ngắn thở dài vì tối đóng cửa kín mít, bức bí nên ngủ không ngon.

Rồi những buổi trưa hè nóng nực, thay vì mở quạt phun sương, má lại cùng ba mắc đôi võng ngoài sân cạnh giàn bầu xanh mướt. Những lúc như thế này bà lại hay khoe một tràng chân lý "để tiết kiệm điện là phụ; mà nạp không khí trong lành, nạp vitamin D và ngăn ngừa chứng rối loạn tình cảm theo mùa mới là chính".

Ba má tôi thích mắc võng ngoài sân kể chuyện gió mây  - Ảnh 2.

Ở cái tuổi xế chiều, với má cũng như những "người nhà quê" chỉ thích hít thở khí trời

TGCC

"Ủa, sao tối thui vậy má. Sao không bật đèn lên", lâu lâu tôi gọi điện qua mạng, thấy màn hình tối thui, lúc đó má mới vội mở đèn: "Có làm gì đâu mà bật đèn cho phí điện. Tao với ba mày tắt hết điện trong nhà. Hai vợ chồng mắc võng ngoài sân kể chuyện gió mây nè". Vẫn giọng cười sang sảng, hào khí mà tôi vẫn thường hay ganh tỵ rằng sao không có đứa con nào được thừa hưởng từ má. Một mái nhà không điện, chỉ le lói 3 quả bóng đèn quả ớt từ trang thờ nhưng sao lại sáng rực và ấm áp lạ.

Ở cái tuổi xế chiều, với má cũng như những người được gọi là "nhà quê" chỉ thích hít thở khí trời, thì việc lên TP.HCM sống với con cháu là "chuyện chẳng đành". Nhiều lần tôi nói gần nói xa muốn ba má khi về hưu sẽ lên TP sống, má chỉ gạt ngang: "Không quen điều hòa, không quen quạt thốc vào người. Ở trển có được khí trời tự nhiên như này đâu mà lên. Tao ở dưới quê cho sướng".

99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.