Ba người đồng hương và một bí ẩn lịch sử

27/02/2022 07:30 GMT+7

Ba con người này vừa là chứng nhân, vừa can dự trực tiếp vào những sự kiện quan trọng trong một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc.

Câu chuyện về 3 nhân vật Quảng Ngãi được nhắc đến khá nhiều vào thời điểm thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lăng nước ta vào cuối thế kỷ 19 mà chúng tôi cố gắng kết nối nhờ một số tài liệu, giai thoại, gia phả, thư khố sau đây có thể góp phần rọi chút ánh sáng vào những bí ẩn lịch sử mà đến hôm nay hậu thế vẫn còn phân vân.

Ba con người này vừa là chứng nhân, vừa can dự trực tiếp vào những sự kiện quan trọng trong một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc, đó là Đông các Đại học sĩ - Cơ mật viện đại thần Trương Đăng Quế, Tuần vũ Định Tường - Khâm phái Biện sự quân vụ Đỗ Thúc Tịnh và thủ lĩnh kháng chiến - Tổng đầu mục Gia Định Trương Định.

Đền thờ Trương Định (làng Mỹ Khê, TP.Quảng Ngãi)

L.H.K

Như chúng tôi đã thông tin trong bài Trương Đăng Quế, vị quan tài năng xuất chúng (Thanh Niên số ngày 22.2), Trương Đăng Quế (1793 - 1865) người làng Mỹ Khê, nay thuộc xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ông làm quan trải 4 triều vua nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), giữ nhiều chức vụ quan trọng hàng đầu trong triều đình. Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, ông là người đứng đầu phe chủ chiến.

Trương Định (1820 - 1864) sinh quán làng Tư Cung Nam, phủ Bình Sơn, nay là xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi. Trương Định và Trương Đăng Quế cùng quê ở Mỹ Khê. Thế nhưng, trong khi thế thứ nhiều đời trước của Trương Đăng Quế được gia phả ghi chép khá rõ và còn lưu lại cho hậu thế, thì về lai lịch Trương Định, đến nay chúng ta hầu như chưa biết gì về các đời trên của ông Trương Cầm (cha Trương Định).

Năm 1844, Trương Cầm được phong chức Hữu thủy vệ úy Lãnh binh tỉnh Gia Định. Trương Định theo cha vào Nam, lấy vợ ở Định Tường. Sau khi cha mất, Trương Định ở luôn quê vợ. Đầu năm 1859, quân Pháp tấn công Gia Định, Trương Định đưa cơ binh của mình phối hợp với quân triều đình ngăn chặn giặc. Ông được vua Tự Đức phong chức Phó Lãnh binh kiêm Tổng chỉ huy đầu mục Gia Định. Giữa năm 1862, trước sức mạnh của quân xâm lược, triều đình cử Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp vào Nam điều đình và ký hòa ước, chấp nhận ngưng chiến, cắt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh, lên đường nhận chức Lãnh binh An Hà (An Giang, Hà Tiên). Theo nguyện vọng của các đầu lĩnh kháng chiến, đồng thời nhận rõ hiểm họa của đất nước, Trương Định đã từ chối thi hành mệnh lệnh triều đình, ở lại Gò Công, nhận chức “Bình Tây Đại nguyên soái” do những người ứng nghĩa suy tôn, kiên quyết kháng chiến đến cùng. Dưới sự chỉ huy của Trương Định, nghĩa quân đã gây cho Pháp nhiều tổn thất nặng nề, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng.

Mật lệnh của triều đình

Trương Đăng Quế, Đỗ Thúc Tịnh và Trương Định cùng quê gốc ở phủ Bình Sơn, nay là H.Bình Sơn và phần đông bắc TP.Quảng Ngãi. Trương Định và Trương Đăng Quế ở 2 làng liền kề nhau. Đỗ Thúc Tịnh là thuộc cấp trực tiếp (Binh bộ Hữu thị lang) của Binh bộ Thượng thư Trương Đăng Quế, còn Trương Đăng Quế là học trò của một tiền bối trong gia tộc Đỗ Thúc Tịnh.

Vào thời điểm Đỗ Thúc Tịnh được cử vào Nam, Trương Đăng Quế đang giữ hàm Thượng thư bộ Binh, Tổng tài Quốc sử quán, Cơ mật viện đại thần, là bậc cố mệnh lương thần. Truyền ngôn trong gia tộc Đỗ Bình Sơn (quê gốc của Đỗ Thúc Tịnh) cho biết chính vị lão thần có uy tín trong triều là Trương Đăng Quế đã lựa chọn và tấu trình vua Tự Đức cho Đỗ Thúc Tịnh được nhận sứ mệnh quan trọng vào Nam. Trước khi lên đường, Đỗ Thúc Tịnh đã đến chào Trương Đăng Quế tại phủ đường và bậc trọng thần đã bí mật giao cho người đồng hương họ Đỗ mang những mật lệnh của triều đình truyền đạt cho Trương Định.

Trong khi đó, các bậc cao niên của gia tộc họ Trương Mỹ Khê lại vẫn thường nhắc nhau chuyện Trương Định chính là con của Đô đốc Tây Sơn Trương Đăng Đồ, chú ruột Trương Đăng Quế. Giai thoại và truyền ngôn chưa hẳn đã là sự thật lịch sử, nhưng có thể giúp soi sáng thêm những điều còn bí ẩn của lịch sử. Nhận sứ mạng của triều đình vào Nam kỳ, việc đầu tiên của Đỗ Thúc Tịnh là liên lạc và phối hợp với nghĩa quân Trương Định, kết nối cuộc kháng chiến của dân binh do Trương Định và các nhóm kháng chiến khác với lực lượng quân chủ lực của triều đình. Nhiều trận thắng vang dội của nghĩa quân sau ngày có sự xuất hiện của Đỗ Thúc Tịnh ở Nam kỳ đã khiến các tướng lĩnh quân xâm lược Pháp để ý và lo ngại vai trò của viên Khâm phái Biện sự quân vụ vừa từ Huế bí mật vào Nam.

Các vị đại thần đầu triều lúc bấy giờ như Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương đã kịp nhận ra toan tính khôn khéo của Trương Đăng Quế trong việc đề cử một người gốc Quảng Ngãi là Đỗ Thúc Tịnh vào chiến trường để hỗ trợ và phối hợp với một người Quảng Ngãi khác là Trương Định. Trong khi đó, ở Nam kỳ, cho dù Đỗ Thúc Tịnh liên tục di chuyển và tìm cách mai danh ẩn tích, nhưng rồi quân Pháp cũng lần ra mối quan hệ giữa ông và vị lão quan khắc tiếng bài Pháp ở triều đình và người đầu lĩnh dân binh kháng chiến quả cảm đất Gò Công.

Rất tiếc là Đỗ Thúc Tịnh đã thọ bệnh và mất vào năm 1861, sau những ngày lặn lội gian nan khắp các vùng kháng chiến. Nhiều toan tính chiến lược nhằm đánh bật quân Pháp ra khỏi Nam kỳ bằng thực lực tại chỗ như ông từng bày tỏ cùng vua Tự Đức và vị lão thần Trương Đăng Quế đã trở thành dang dở. Mất Đỗ Thúc Tịnh, Chánh quản cơ, Tổng đầu mục dân binh Trương Định không còn sự phối hợp hiệu quả với người đồng hương giàu tài năng và ý chí kháng Pháp, đã gặp nhiều khó khăn khi phải tiếp xúc với đám quan lại hèn nhát, chủ bại.

Nhiều bậc thức giả Nam kỳ đương thời cho rằng, trước họa xâm lăng của quân ngoại bang Tây dương, tuổi già của ông quan đầu triều Trương Đăng Quế, cái chết của Khâm phái Biện sự quân vụ Đỗ Thúc Tịnh và 2 năm sau đó là Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định đã thêm vào chuỗi những sự kiện không may khiến vận nước càng sớm lâm vào hồi nghiêng ngả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.