Ba Tri 'vận động' cán bộ mua nhớt để… xây dựng quê hương

Bắc Bình
Bắc Bình
27/05/2020 11:50 GMT+7

Cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên ở H.Ba Tri (Bến Tre) được vận động mua nhớt với giá 100.000 đồng/chai của một doanh nghiệp ở Tiền Giang để doanh nghiệp này trích lại 100 triệu đồng xây dựng cầu, đường.

Mua chai nhớt để được yên thân

Trong vài tuần qua, PV Thanh Niên liên tục nhận được phản ánh của giới công chức, viên chức… ở H.Ba Tri (Bến Tre) về việc họ liên tục bị cấp trên nhắc nhở, còn các đồng nghiệp thì thi nhau “vận động” mua nhớt để “xây dựng quê hương”!
“Nói là vận động chứ không mua thì biết cái thân, bị “để ý” liền chứ chơi sao. Vậy nên tôi mua đại 1 chai rồi để dành phân nửa bôi trơn dây sên xe, còn lại phân nửa cho ông anh hàng xóm dùng bôi trơn động cơ máy cắt cỏ chứ có dám đổ vô xe máy đâu vì loại nhớt này tôi chưa từng thấy trên thị trường”, một cán bộ công tác ở xã An Đức than phiền.
Về khâu tổ chức bán tại xã, bà Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch MTTQ xã An Bình Tây, cho biết mỗi hội đoàn thể của xã (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân) sẽ nhận “chỉ tiêu” 20 chai nhớt loại 1 lít về vận động bán lại.
“Thú thật, như Hội phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên còn đỡ chứ cơ quan Mặt trận xã thì chỉ có ông Chủ tịch là công chức và tôi là Phó chủ tịch, là cán bộ bán chuyên trách, ngoài ra không còn ai. Nghĩa là cơ quan tôi muốn bán hết 20 chai thì phải vận động người thân mua giúp chứ mời ai được nữa”, bà Hồng Hạnh cho biết.
Theo phản ánh của một số cán bộ, công chức, khi huyện triển khai Chương trình “Chung tay góp phần tạo kinh phí xây dựng cầu đường ở các địa phương” thì các cán bộ hội đoàn cấp xã được thông báo là doanh nghiệp chỉ nhận lại 50.000 đồng mỗi chai nhớt, 50.000 đồng còn lại chia cho người bán được 35.000 đồng (chi phí “xăng cộ”), còn 15.000 đồng đóng góp cho chương trình.
Tuy vậy, sau khi bán xong, Ban Dân vận Huyện ủy Ba Tri yêu cầu các địa phương phải nộp hết về Ban, không được giữ lại 35.000 đồng chi phí “xăng cộ” như ban đầu đã hứa, càng khiến cho không ít cán bộ, hội viên…cấp xã bức xúc.

Quỵt tiền “xăng cộ” vẫn không đủ chi phí xây cầu

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 26.2, Ban Dân vận Huyện ủy Ba Tri ban hành Công văn 460-CV/BDVHU về việc phối hợp với MTTQ và các đoàn thể huyện vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên toàn huyện mua 2.800 chai nhớt của Công ty TNHH SX-TM-DV Bảo Đăng (gọi tắt là Công ty Bảo Đăng -TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) để được công ty này trích lại 100 triệu đồng ủng hộ chương trình “Chung tay góp phần tạo kinh phí xây dựng cầu đường ở các địa phương”.
Tuy nhiên, khi triển khai đồng loạt ở cấp huyện và 23 xã, thị trấn thì tổng số nhớt bán được lên đến 3.100 chai; trong đó 3 cơ quan (MTTQ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh) bán được 1.020 chai; Huyện đoàn 230 chai; Liên đoàn lao động huyện 1.050 chai; Hội Phụ nữ 800 chai.
Do “thành công ngoài mong đợi” nên Công ty Bảo Đăng đã ủng hộ thêm 55 triệu đồng thành 155 triệu đồng cho Chương trình. Nhưng lúc này, một số cán bộ ở Ba Tri đã liên tục gửi đơn thư phản ánh về tỉnh nên ngày 6.4, Huyện ủy Ba Tri chủ trì cuộc họp kết luận cho dừng Chương trình, kèm theo “câu thòng” là nếu xã nào muốn xây dựng công trình thì liên hệ với Công ty Bảo Đăng để được cung cấp tiếp nhớt để bán gây quỹ.
Trước đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lương Văn Bé, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Ba Tri, cho biết: “Ban đầu đúng là huyện có hứa chi tiền thù lao cho cán bộ vận động bán được nhớt nhưng sau khi có dư luận không tốt, đơn thư gửi về tỉnh thì chúng tôi đã tham mưu Thường trực Huyện ủy thu hồi toàn bộ số tiền 155 triệu đồng mà Công ty Bảo Đăng trích lại. Bởi nếu chia thêm thù lao (35.000 đồng/chai) cho người bán thì chẳng còn đủ 100 triệu như kế hoạch ban đầu. Hiện số tiền này đã được chuyển sang “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” do Phòng LĐ-TB-XH huyện quản lý để xây nhà tình thương cho các hộ khó khăn, do không đủ để xây dựng các công trình giao thông như dự tính”. 

Công ty bán nhớt nói gì?

Ngày 13.5, đại diện Công ty Bảo Đăng cho biết công ty này là nhà phân phối độc quyền của nhớt Hitex của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Theo yêu cầu của phía Hitex thì phía Bảo Đăng phải dùng hơn 20% lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho việc quảng cáo, tiếp thị sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Nhưng phía Bảo Đăng thấy việc quảng cáo, tiếp thị thì xem như mất toàn bộ số tiền đó mà người dân không được hưởng lợi nên đã “lái” sang dùng cho hoạt động gây quỹ phúc lợi cho địa phương.
Cụ thể hơn, về chương trình tại H.Ba Tri, phía Công ty Bảo Đăng dự kiến sẽ cung ứng nhớt với tổng số 5.600 chai, chia làm 3 đợt. Tuy nhiên, chương trình mới triển khai bán được 3.100 chai thì phải buộc dừng do UBND tỉnh Bến Tre có chỉ đạo. “Nhớt bán tại Ba Tri có giá 100.000 đồng/chai; trong đó Công ty Bảo Đăng chỉ lấy đủ tiền vốn gồm chi phí cho phần nhập khẩu, san chiết đóng chai, vận chuyển cộng với thuế giá trị gia tăng (10%), phần còn lại để cho địa phương gây quỹ và chi phí của người trực tiếp vận động bán. Tại H.Ba Tri, Công ty Bảo Đăng lấy giá 50.000 đồng/chai và số tiền này, địa phương phải chuyển trả công ty trước khi giao hàng”, đại diện Công ty Bảo Đăng cho biết.
Khi PV Thanh Niên yêu cầu xem bảng giá sản phẩm nhớt mà Công ty Bảo Đăng phải công bố theo quy định tại thời điểm bán tại H.Ba Tri thì ông Đổng Lương Bình, Phó giám đốc Công ty Bảo Đăng, nói: “Nhớt bán tại H.Ba Tri không cần công bố vì sản phẩm từ thiện nhưng vẫn đảm bảo chất lượng so với các sản phẩm cùng loại niêm yết tại các địa lý. Các tiêu chuẩn chất lượng thì công ty chúng tôi sẵn sàng chứng minh”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.