Theo CNBC, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ Richard Haass vừa nêu nhận định trên trong bài xã luận Project Syndicate mới. Theo đó, phần lớn sức tăng trưởng kinh tế khủng của châu Á là nhờ khu vực ít có xung đột quân sự dọc biên giới. Song các yếu tố đóng góp cho hòa bình và ổn định ở châu Á đang chịu áp lực gia tăng. Điều này làm lung lay tình hình chiến lược vốn tạo điều kiện cho phép màu kinh tế khu vực.
Không như châu Âu hay Mỹ Latin, châu Á không chứng kiến cuộc chiến tranh lớn nào kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào giữa thập niên 1970, ông Haas cho biết. Các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đôi khi gây căng thẳng nhưng không bao giờ leo thang thành một cuộc chiến, “một phần là vì không nước nào muốn khiến tăng trưởng kinh tế gặp nguy bằng cách khởi xướng xung đột”, ông Haas nói thêm.
Tình hình nhân khẩu học cũng giúp giải thích sự ổn định của kinh tế châu Á. Ông Haas cho hay: “Hầu hết các nước châu Á đều có xã hội tương đối đồng nhất với đặc tính quốc gia mạnh mẽ, khả năng xung đột nội chiến bùng phát và lan rộng đến biên giới các nước khá thấp”.
Thêm vào đó, hàng thập niên Mỹ hiện diện quân sự tại khu vực làm giảm nhu cầu phát triển chương trình quân sự lớn riêng rẽ của các quốc gia châu Á. Điều này giúp khu vực nghiêng về hướng không khuyến khích sử dụng vũ lực.
Dù vậy, một loạt sự biến gần đây đang đe dọa thổi bùng xung đột và gián đoạn đường thịnh vượng của kinh tế châu Á. Theo ông Haas, kế hoạch biến Trung Quốc thành siêu cường toàn cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng việc thể hiện chủ quyền lãnh thổ đặc biệt đáng lo ngại.
“Khi Trung Quốc áp dụng chính sách đối ngoại ngày càng đáng chú ý hơn, động thái vốn được thể hiện trong tranh chấp với Ấn Độ và yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, các nước khác ngày càng có động cơ để tăng chi tiêu quân sự. Nếu chuyện này xảy ra, tình hình có thêm khả năng leo thang thành xung đột”, ông Haas nói.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) và bất đồng với các đồng minh Mỹ về vấn đề chi tiêu quốc phòng cũng không có ích. “Việc chính sách đối ngoại của Mỹ ngày càng khó lường có thể làm suy yếu khả năng phòng vệ và khiến các đồng minh phải tự mình bảo vệ an ninh nước nhà”, ông Haas nói.
Cuối cùng, cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về vấn đề tên lửa, hạt nhân cũng trầm trọng hóa dự báo chính trị của khu vực. Đồng minh Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tăng chi tiêu quân sự, xem xét lại lập trường phi hạt nhân của họ.
tin liên quan
Cổ phiếu quốc phòng bay cao vì căng thẳng Triều TiênCuộc khẩu chiến giữa Triều Tiên và Mỹ khiến nhiều nhà giao dịch chứng khoán thấp thỏm và thị trường thế giới nhìn chung lao dốc, song lại giúp các cổ phiếu quốc phòng thu lợi lớn.
Bình luận (0)