Bắc Kinh dọa đáp trả Washington vì Covid-19

23/05/2020 06:55 GMT+7

Trung Quốc cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả nếu quốc hội Mỹ thông qua dự luật nhằm buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về đại dịch Covid-19 .

AFP hôm qua đưa tin dự luật trên được đề xuất hồi tuần trước, có thể cho Tổng thống Mỹ Donald Trump quyền áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Trung Quốc, bao gồm cấm các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, phong tỏa tài sản và thu hồi thị thực. Dự luật được cho là nhằm trừng phạt Trung Quốc vì Washington tố Bắc Kinh không sớm cảnh báo thế giới về Covid-19.

Trung Quốc lần đầu không đặt mục tiêu GDP

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức quốc hội) khóa 13 ở Bắc Kinh vào sáng 22.5, chính phủ Trung Quốc bỏ qua mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể cho năm 2020, theo Tân Hoa xã. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc không đặt ra mục tiêu GDP kể từ khi bắt đầu đặt mục tiêu như thế vào năm 1990. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho hay quyết định bỏ mục tiêu GDP được đưa ra vì tình trạng không chắc chắn liên quan đến Covid-19 và môi trường thương mại thế giới. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc thông báo ngân sách quốc phòng cho năm 2020 sẽ ở mức 1.270 tỉ nhân dân tệ (179 tỉ USD), tăng 6,6% so với năm 2019.  
Minh Trung
Tại cuộc họp báo tối 21.5, ông Trương Nghiệp Toại, người phát ngôn kỳ họp năm nay của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức quốc hội) - khai mạc sáng 22.5, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ theo dõi tiến trình xét duyệt của dự luật trên và “sẽ có các biện pháp đáp trả mạnh mẽ”. Ông Trương còn nói nguồn gốc vi rút gây bệnh Covid-19 sẽ dựa trên đánh giá của các nhà khoa học. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ đơn kiện hoặc yêu cầu bồi thường thiếu thỏa đáng nào”, ông Trương khẳng định.

Đại dịch Covid-19: Hơn 1,6 triệu người Mỹ nhiễm virus, Brazil vươn lên xếp thứ 2 toàn cầu

Dù dọa đáp trả Mỹ, song ông Trương cũng không quên kêu gọi Washington tôn trọng Trung Quốc, kêu gọi hợp tác đôi bên cùng có lợi để giải quyết các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu. “Ngược lại, nếu Mỹ theo đuổi quan điểm Chiến tranh lạnh, theo đuổi chiến lược kiềm chế Trung Quốc, đe dọa các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, điều đó sẽ chỉ gây tổn thương cho các bên khác và cuối cùng ảnh hưởng đến chính nước Mỹ. Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của mình”, ông Trương cảnh báo.

Luật an ninh - “dấu chấm hết” cho Hồng Kông ?

Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) ngày 22.5 thảo luận dự luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, trong đó cấm việc xúi giục nổi loạn, ly khai và phản quốc. Theo ông Trương Nghiệp Toại, sẽ tăng cường “cơ chế chấp pháp” tại Hồng Kông. Ông Trương nói thêm Trung Quốc đang lên kế hoạch cải thiện chính sách “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Kông.
Thông tin về dự luật đã nhanh chóng bị nhiều nghị sĩ Hồng Kông phản đối, gọi đây là “dấu chấm hết cho Hồng Kông”, vì lo ngại dự luật sẽ gây bất ổn và gia tăng sự kiểm soát của Bắc Kinh tại đặc khu. Cùng ngày, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định dự luật trên sẽ không ảnh hưởng tới tính độc lập pháp lý của đặc khu, theo Reuters.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ phản ứng cứng rắn nếu luật an ninh đối với Hồng Kông được thông qua, theo AFP.
Trong khi đó, khi dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, đã có nhiều lời kêu gọi Trung Quốc bồi thường cho những người và doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19. Chẳng hạn, bang Missouri (Mỹ) đã kiện chính phủ Trung Quốc, đòi bồi thường với cáo buộc Bắc Kinh đã sơ suất trong xử lý dịch bệnh.
Ngày 21.5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Trump rằng chính vì Trung Quốc thiếu khả năng xử lý Covid-19 nên đã khiến hàng trăm ngàn người chết và gây ra “vụ giết người hàng loạt trên thế giới”. Ông Triệu tuyên bố Trung Quốc “luôn nói sự thật, đưa ra sự thật, nói có lý lẽ và nỗ lực hết mình bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của người dân”, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế chống đại dịch Covid-19, theo AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.