Đại sứ Trung Quốc tại Washington D.C hôm qua chỉ trích chính phủ sở tại về quyết định áp đặt hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc liên quan việc gây tổn hại quyền tự trị và tự do của Hồng Kông, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Thông báo trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 26.6 cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu áp đặt hạn chế thị thực đối với những quan chức và cựu quan chức Trung Quốc bị cho là có trách nhiệm về việc làm gây tổn hại mức độ tự trị cao của Hồng Kông và tự do cơ bản ở đặc khu.
Ông Pompeo không nêu danh tính những quan chức bị nhắm tới, nhưng Bloomberg dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng số quan chức bị nhắm tới chưa tới 10 người. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay những hạn chế thị thực có thể cũng được áp đặt đối với thành viên gia đình của quan chức bị nhắm tới.
“Tổng thống Trump đã hứa trừng phạt những quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm cho việc phá hoại tự do của Hồng Kông. Hôm nay, chúng tôi hành động chỉ để thực hiện lời hứa đó”, ông Pompeo cho hay. Thượng viện Mỹ ngày 26.6 cũng đã thông qua đạo luật Tự trị Hồng Kông, trong đó kêu gọi áp đặt các biện pháp cấm vận những cá nhân bị xác định có trách nhiệm đối với việc làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông.
Không chỉ vấn đề Hồng Kông, Mỹ và Trung Quốc hiện nay còn căng thẳng về nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề Đài Loan, đại dịch Covid-19 và thương mại.
Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Pompeo ở Hawaii ngày 17.6, Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã liệt kê một loạt hành động của Mỹ liên quan vấn đề Hồng Kông và Đài Loan. Ông Dương được cho là đã lặp lại cam kết của Trung Quốc về việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một là mua thêm hàng hóa và nông sản Mỹ, nhưng nhấn mạnh hai bên cần phải làm việc cùng nhau. The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên cho rằng ý ông Dương muốn nói phía Mỹ không nên can thiệp quá sâu vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. “Lằn ranh đỏ không nên bị vượt qua”, vị quan chức nói.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của The Wall Street Journal, Ngoại trưởng Pompeo đã không chịu nhượng bộ. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ ông Pompeo đến Hawaii với mong đợi Trung Quốc sẽ có thái độ mới và hành động cụ thể nhưng đã thất vọng vì ông Dương không đưa ra đề nghị nào đáng chú ý.
Tờ The Wall Street Journal ngày 27.6 dẫn nguồn tin riêng cho biết Nhà Trắng muốn các tập đoàn Mỹ như Cisco mua lại một số công ty viễn thông châu Âu đang sở hữu nhiều sáng chế về hệ thống mạng 5G là Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan). Động thái này được cho là nhằm giúp Mỹ có thể vượt qua Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) trong lĩnh vực mạng 5G. Chính quyền Washington đang xem xét miễn giảm thuế hoặc nâng hạn mức hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp Mỹ đồng ý mua lại hai công ty trên.
Cùng ngày 27.6, CNBC đưa tin sau khi chính quyền Anh cấp phép cho Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Anh, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cảnh báo mới về nguy cơ an ninh từ các hoạt động của Huawei, cáo buộc tập đoàn này có liên hệ với chính quyền Trung Quốc nên không thể được tin tưởng.
Danh Toại - Vi Trân
|
Bình luận (0)