Bác sĩ 24/7: Quỳ gối, ngồi xổm là 2 tư thế dễ gây đột quỵ?

27/05/2024 04:05 GMT+7

'Tôi nghe nói quỳ gối hay ngồi xổm rồi cúi gập người là 2 tư thế dễ gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đúng không ạ? Vậy tư thế nào là tốt nhất cho sức khỏe tim mạch? Nhân đây cho tôi hỏi triệu chứng và cách phòng ngừa đột quỵ như thế nào? Cảm ơn bác sĩ!'. (P.Khang, ở TP.HCM).

Bác sĩ CKI Đào Duy Khoa, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Nhồi máu cơ tim hay đột quỵ thiếu máu não cấp xảy ra khi mạch máu bị tắc nghẽn dẫn đến mô não hoặc tim bị hoại tử và mất chức năng. Vì vậy các nguyên nhân dẫn đến tạo cục máu đông gây tắc nghẽn mạch như: Xơ vữa động mạch, bóc tách động mạch, viêm động mạch, hẹp động mạch, các bệnh tim như suy tim nặng, rung nhĩ,... hoặc các yếu tố nguy cơ gây tổn thương mạch máu như tăng huyết áp, đái tháo đường,... đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ đột quỵ. 

Bác sĩ 24/7: Quỳ gối, ngồi xổm là 2 tư thế dễ gây đột quỵ?- Ảnh 1.

Quỳ gối hay ngồi xổm có dễ gây đột quỵ?

Minh họa: Pexels

Hiện tại, theo các khuyến cáo chính thống của các hiệp hội chuyên ngành chưa ghi nhận quỳ gối hay ngồi xổm là yếu tố nguy cơ cho đột quỵ thiếu máu não cấp hoặc nhồi máu cơ tim. 

Tuy nhiên, tình trạng tụt huyết áp tư thế được ghi nhận có liên quan tăng nguy cơ đột quỵ. Khi quỳ gối hoặc ngồi xổm đứng dậy nhanh sẽ dễ dẫn đến tụt huyết áp tư thế, đặc biệt là ở những người có sẵn tiền căn về bệnh tim mạch hoặc một số bệnh của hệ thần kinh (teo nhiều hệ thống, bệnh đa dây thần kinh do đái tháo đường,...).

Hiện tại chưa khuyến cáo cụ thể một tư thế cụ thể nào giúp phòng ngừa nguy cơ đột quỵ hoặc tim mạch.

Về chế độ tập luyện: Có nhiều bài tập và chế độ tập luyện được hướng dẫn để cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng ngừa đột quỵ. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nên tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần hoặc cường độ cao ít nhất 75 phút/tuần, hoặc kết hợp cả 2 chế độ này và nên trải đều ra trong tuần.

Triệu chứng và cách phòng ngừa đột quỵ

Theo bác sĩ CKI Đào Duy Khoa, triệu chứng điển hình của đột quỵ gồm: Đột ngột méo miệng, nói đớ, yếu liệt nửa người. Nếu có các triệu chứng này thì phải vào bệnh viện ngay, càng sớm càng tốt để điều trị thông mạch, tránh mất thời gian vàng.

Cách phòng ngừa: Bệnh nhân cần được đánh giá toàn diện các yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc lá, uống bia rượu, sử dụng chất kích thích, chế độ ăn, cân nặng, chế độ vận động, huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch,... để đưa ra phương pháp điều trị sớm (nếu có), từ đó giúp phòng ngừa được đột quỵ (còn gọi là phòng ngừa tiên phát, phòng ngừa từ khi chưa bị đột quỵ). 

Cần chú ý là các yếu tố nguy cơ này phải được kiểm soát đạt các mục tiêu cụ thể thì mới đạt được hiệu quả tối đa.

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: suckhoethanhnien247@gmail.com.

Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia... để trả lời cho bạn đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.