Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Nước mía không phải là phương pháp chữa bệnh tiểu đường, vì trong nước mía chứa nhiều đường tự nhiên, chủ yếu là sucrose, có thể làm tăng đường huyết nếu tiêu thụ không cẩn thận.
Đối với người bị tiểu đường, việc duy trì mức đường huyết ổn định là rất quan trọng, nên tiêu thụ nước mía quá mức sẽ gây hại hơn là có lợi.
Dưới đây là một số lưu ý về nước mía và sức khỏe:
Hạn chế dùng với người tiểu đường: Nước mía có chỉ số đường huyết cao, dễ làm tăng đường trong máu, không nên dùng cho người mắc tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường loại 2.
Lợi ích của nước mía: Nước mía chứa một số vitamin và khoáng chất như vitamin B, C, sắt, canxi, magiê và chất chống oxy hóa, giúp hỗ trợ miễn dịch và tốt cho tiêu hóa. Tuy nhiên, những lợi ích này không có nghĩa là nó an toàn cho người tiểu đường.
Cách dùng nước mía tốt nhất: Nếu bạn không mắc tiểu đường và muốn thưởng thức nước mía, hãy dùng lượng nhỏ và hạn chế tần suất uống. Có thể uống vào buổi sáng hoặc sau khi vận động để cơ thể dễ hấp thu và chuyển hóa năng lượng từ đường tự nhiên.
Theo bác sĩ Ngọc Mai, để ổn định đường huyết, người bệnh tiểu đường nên chọn các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít đường như rau xanh, quả hạch và hạt chia. Để quản lý tiểu đường tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn thích hợp.
Bình luận (0)