Nước mía là loại đồ uống có đường, mang vị ngọt, phổ biến ở nhiều quốc gia. Trong y học cổ truyền, nước mía được sử dụng để điều trị các bệnh về gan, thận và nhiều bệnh khác.
Những ngày nắng nóng, nước mía càng được ưa chuộng. Người bán cũng thường thêm nước chanh, quất, đá lạnh vào ly nước mía để tăng hương vị cho loại thức uống này.
Lợi ích của nước mía
Nước mía bao gồm khoảng 70-75% nước, khoảng 10-15% chất xơ và 13-15% đường ở dạng sucrose - giống như đường ăn.
Trong 240 ml nước mía có 183 calories, 50 g đường, theo Healthline.
Nước mía cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa phenolic và flavonoid. Những chất chống oxy hóa này được cho là có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, trong nước mía cũng có chất điện giải như kali. Trong một nghiên cứu trên 15 vận động viên đạp xe, nước mía đã được chứng minh là có hiệu quả như đồ uống thể thao trong việc cải thiện hiệu suất tập thể dục và bù nước.
Tuy nhiên, nước mía cũng làm tăng lượng đường trong máu của vận động viên khi tập luyện.
Những ai không nên uống nước mía
Tuy là loại nước có một số lợi ích cho sức khỏe nhưng chuyên gia sức khỏe khuyên, một số người không nên dùng loại thức uống này.
Giống như các loại đồ uống có lượng đường cao khác, nước mía là lựa chọn không tốt đối với người mắc bệnh tiểu đường. Lượng đường của nước mía có thể làm tăng lượng đường trong máu và gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bị tiểu đường, theo Healthline.
Ngoài ra, những người có vấn đề về đường tiêu hóa cũng không nên uống nước mía. Đặc biệt, nếu đang dùng thuốc, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn uống loại nước này.
Bình luận (0)