Bác sĩ áo xanh ở bên kia biên giới

Phạm Đức
Phạm Đức
24/02/2020 09:28 GMT+7

Bên kia biên giới, bác sĩ quân y Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã nhiều năm chịu đựng gian khổ vì cuộc sống người dân biên giới nước bạn, vì tình hữu nghị Việt - Lào ngàn đời bền vững.

Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) nằm ở bên kia biên giới Việt - Lào, cách Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) chừng 20 km. Trạm được biên chế 1 bác sĩ và 2 y sĩ mang quân hàm xanh.
Ở bên kia biên giới Việt - Lào, những ngày đầu năm 2020, trời nắng hanh hao, mùa khô vừa mới bắt đầu nhưng thời tiết oi bức đến khó chịu. Mới đầu buổi sáng, Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ (huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay, Lào) đã có 2 bệnh nhân người dân tộc Mông đến khám chữa bệnh.
Như thường lệ, bác sĩ Nguyễn Việt Đức, Trưởng trạm xá, liền cho họ vào nằm tại phòng điều trị, dùng tai nghe kiểm tra nhịp tim và lấy máy đo huyết áp. Sau ít phút ân cần trao đổi bằng tiếng người bản địa với bệnh nhân, thiếu tá Đức quay qua bảo với tôi: “Hai bệnh nhân này, một người bị đau dạ dày, một người bị bệnh cao huyết áp”.
Vừa thăm khám cho bệnh nhân, anh Đức vừa kể, bản Thoọng Pẹ có 453 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu, nhưng chủ yếu là người dân tộc Mông, điều kiện kinh tế khó khăn. “Ở đây, khi ốm đau bệnh tật, người dân thường mời thầy mo, thầy cúng về mổ trâu giết lợn để cúng con ma rừng”, thiếu tá Đức nói. Để giúp người dân biên giới nước bạn xóa bỏ phong tục lạc hậu, nâng cao sức khỏe đời sống và góp phần giữ vững an ninh khu vực biên giới, năm 2007, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh quyết định đầu tư xây dựng Trạm xá quân dân y kết hợp tại bản Thoọng Pẹ, trên diện tích 500 m2.
Trạm chỉ có 1 dãy nhà cấp 4, nhưng đầy đủ các phòng chức năng, phòng khám và phát thuốc, phòng siêu âm, phòng điều trị, phòng nghỉ, bếp nấu ăn. Đầu năm 2008, trạm xá bắt đầu mở cửa đón bệnh nhân và duy trì cho đến nay.
“Kể từ ngày trạm xá đi vào hoạt động, nhiều y, bác sĩ mang quân hàm xanh như tôi đã luân phiên nhau sang đây nhận công tác. Ngoài chuyên môn, chúng tôi còn hướng dẫn bà con trồng cây lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là vận động họ xóa bỏ cây thuốc phiện và cai nghiện ma túy”, thiếu tá Đức tâm sự.

Từ khám bệnh qua… phiên dịch

Giao lại việc điều trị bệnh nhân cho 2 y sĩ, thiếu tá Đức dẫn tôi dạo qua một vòng trạm xá. Anh kể, năm 2013, sau nhiều năm công tác tại một số đơn vị, anh cùng đồng nghiệp được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh điều động sang nhận nhiệm vụ tại đây. Những ngày đầu chân ướt, chân ráo, các anh gặp khó trong việc giao tiếp vì bất đồng về ngôn ngữ. Suốt 3 tháng đầu, việc khám bệnh phải thông qua phiên dịch.
“Khi có bệnh nhân, tôi phải dùng điện thoại gọi video cho một người Lào thành thạo tiếng Việt nhờ phiên dịch qua lại. Mỗi bệnh nhân đến đây điều trị, điều đầu tiên là có cuộc trao đổi tay ba. Nhưng chỉ sau 3 tháng tự mày mò học tiếng của người dân bản địa, tôi cũng đã nói được khá thành thạo, việc khám chữa bệnh nhờ vậy được thuận lợi hơn”, anh Đức nhớ lại.
Hơn 6 năm công tác tại đây, anh Đức cho biết công việc của anh và các đồng nghiệp không có thời gian cố định. Bất cứ thời điểm nào, dù là đêm khuya hay sáng sớm, hễ có bệnh nhân đến là các anh lập tức đón tiếp, chữa trị cho họ.
Cũng có một số người bệnh đau yếu không đến được trạm xá, các anh sẵn sàng tìm đến tận nơi cứu chữa. Trung bình mỗi ngày, trạm tiếp nhận từ 15 - 20 bệnh đến khám chữa bệnh. Gặp trường hợp bệnh nhân nặng, các y bác sĩ chỉ sơ cứu ban đầu, rồi cho xe chuyển lên tuyến trên, vì trang thiết bị của trạm xá còn nhiều hạn chế.
“Mới đây, anh Nang Vi Xay (45 tuổi) bị đột quỵ, được người nhà đưa đến trạm xá trong tình trạng nguy kịch. Chúng tôi lập tức cho bệnh nhân thở ô xy, dùng máy trợ tim, trợ sức và thuốc hạ huyết áp. Nhờ bắt được “thời điểm vàng” để thực hiện sơ cứu ban đầu mà bệnh nhân này đã thoát khỏi “cửa tử”, anh Đức kể.
Không chỉ khám chữa bệnh, các bác sĩ quân y còn cấp phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn người dân nghèo bản địa. “Riêng trong năm 2019, chúng tôi đã khám chữa bệnh cho gần 3.500 lượt người. Đặc biệt, chữa trị và cấp phát thuốc miễn phí cho 1.200 lượt người, tương đương với số tiền gần 100 triệu đồng”, thiếu tá Đức nói.

Đến trở thành “người nhà” của dân

Là một người thường xuyên qua lại làm ăn với người Việt, ông Pu Poong (52 tuổi, ngụ tại bản Thoọng Pẹ) nói tiếng Việt rất sõi. Ông có tiền sử bị bệnh tiểu đường nên thỉnh thoảng phải vào trạm xá nằm điều trị.
Theo ông Pu Poong, từ khi có Trạm xá quân y của Bộ đội Biên phòng Việt Nam, người dân không còn tin vào thầy cúng nữa, khi ốm đau đều tìm đến trạm xá để nhờ bác sĩ điều trị. “Đủ thứ bệnh “thượng vàng, hạ cám” trên đời, các bác sĩ quân y đều chữa rất giỏi. Khi đến đây, ngoài được tận tình cứu chữa và thì các anh còn dạy chúng tôi cách phòng tránh dịch bệnh. Bà con ai cũng coi các anh như người thân trong gia đình mình”, ông Pu Poong nói.
Xa vợ con, vài tháng mới được về thăm nhà ít ngày, nhưng bù lại, các y bác sĩ công tác tại trạm xá lại được bà con dân bản quan tâm, tin yêu. “Vì quý mến chúng tôi nên ở đây người dân nào đi rẫy về kiếm được khúc mía, củ sắn, quả bí là họ lại mang lên cho. Hay sau vụ mùa, gạo họ tự sản xuất ra cũng mang lên biếu, bảo đây là công của chiến sĩ biên phòng. Vui lắm!”, thiếu tá Đức tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.