Bác sĩ chỉ ra lượng caffeine trong từng loại cà phê, lưu ý cách dùng tốt nhất

Như Quyên
Như Quyên
28/12/2024 04:09 GMT+7

Cà phê có nhiều công dụng tốt, tuy nhiên, tùy theo từng loại và cách uống mà mang lại những tác động khác nhau. Việc hiểu rõ các loại cà phê và liều lượng pha chế hợp lý sẽ có lợi cho sức khỏe người dùng.

Uống cà phê nóng giúp giữ được nhiều chất chống oxy hơn

Cà phê Arabica: Hàm lượng caffeine: 1-1,5% (thấp). Chứa nhiều axit chlorogenic - một chất chống oxy hóa tự nhiên. Hạt arabica có vị chua thanh, nhẹ nhàng, hương thơm tinh tế, đặc biệt phù hợp với người nhạy cảm caffeine, giảm nguy cơ viêm và bệnh mạn tính.

Cà phê Robusta: Hàm lượng caffeine: 2-2,5% (cao), giàu protein và lipid. Robusta có vị đậm đà, đắng hơn Arabica, thích hợp cho người cần tỉnh táo nhanh trong thời gian dài.

Bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết, uống cà phê nguyên chất là tốt nhất vì giữ nguyên chất chống oxy hóa, không chứa đường và sữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng chuộng uống cà phê đen.

cà phê

Cà phê trên thị trường với nhiều cách pha chế mới, ngon miệng, đẹp mắt... thu hút khẩu vị nhiều người

ẢNH: NHƯ QUYÊN

Cô N.T.T.T (46 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mỗi ngày đều uống 2 ly cà phê tự pha ở nhà, chia sẻ: “Tôi thích uống cà phê phin pha với sữa đặc, pha càng sệt càng ngon. Lúc trước là 3 ly, nhưng sau này do có tuổi, huyết áp cao nên được khuyên giảm bớt. Có hôm nào uống trễ quá cũng hơi mệt tim, nhưng cứ không uống là tôi chịu không được. Bác sĩ và con gái ở nhà khuyên tôi nên uống cà phê đen thôi, nhưng tôi không thấy ngon, cảm giác không đã thèm”.

Cà phê sữa cũng là thức uống rất được giới trẻ ưa chuộng. Chị B.N.A.T (21 tuổi, ở Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Cà phê sữa có vị beo béo, không quá đắng như cà phê đen đặc nên dễ uống, giúp mình tỉnh táo và năng lượng hơn. Nhiều chỗ còn có thêm sương sáo hay thạch, ăn vui miệng. Mình và bạn bè uống chủ yếu vì ngon chứ không quan trọng phải là 100% cà phê nguyên chất”.

Bác sĩ Nhất Duy cho hay: “Nếu dùng sữa và đường kèm theo cà phê, cần kiểm soát liều lượng hợp lý. Nên dùng sữa tươi không đường hoặc sữa tách béo với tỷ lệ: 80% cà phê, 20% sữa. Hạn chế tối đa lượng đường thêm vào, chỉ nên thêm 1-2 thìa đường nhỏ (5-10 g)”. Mọi người cần kiểm soát lượng đường, sữa nạp vào khi dùng cà phê để không làm giảm hoặc mất đi các lợi ích tốt của cà phê cho sức khỏe, thậm chí còn phản tác dụng.

Ngoài ra, uống cà phê nóng sẽ giữ trọn được chất chống oxy hóa, thích hợp nhất cho buổi sáng. Còn cà phê lạnh lại tốt cho người nhạy cảm do mắc các bệnh lý về dạ dày, đặc biệt là trong thời tiết nóng.

Lưu ý khi uống cà phê ở người bị tiểu đường và liều lượng khuyên dùng

Theo tiến sĩ - bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cà phê có thể là “liều thuốc tự nhiên” nếu được sử dụng đúng cách.

Cải thiện chức năng não bộ và tinh thần: Caffeine trong cà phê kích thích hệ thần kinh trung ương, cải thiện sự tập trung, trí nhớ và khả năng xử lý thông tin. Theo nghiên cứu của tạp chí Journal of Alzheimer’s Disease, tiêu thụ 2-3 tách cà phê mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc Alzheimer và Parkinson.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch, sức khỏe gan: Uống cà phê thường xuyên (2-3 tách/ngày) có thể giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ và xơ gan, theo nghiên cứu trên Hepatology vào năm 2014.

Hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Một phân tích tổng hợp năm 2014 (tạp chí khoa học Diabetologia) cho thấy uống 3-4 tách cà phê/ngày giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 khoảng 25%. Lợi ích này được thấy rõ hơn ở cà phê đã loại bỏ caffeine (decaf), chứng tỏ rằng các hợp chất không chứa caffeine (như axit chlorogenic) có vai trò lớn trong việc phòng ngừa.

Bác sĩ chỉ ra lượng caffeine trong từng loại cà phê, lưu ý cách dùng tốt nhất- Ảnh 2.

2-3 tách cà phê mỗi ngày có lợi cho tim mạch, gan

Ảnh: Như Quyên

“Tuy nhiên, ở một số nghiên cứu trên người bệnh tiểu đường, caffeine trong cà phê có thể làm giảm độ nhạy insulin tạm thời, khiến cơ thể khó kiểm soát lượng đường, làm tăng lượng đường huyết sau ăn ở người bệnh tiểu đường loại 2. Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng tác động của caffeine khác nhau giữa từng người. Vì vậy, người bệnh tiểu đường nên cân nhắc và tham khảo ý kiến chuyên gia về lượng cà phê nên dùng hằng ngày phù hợp cho bản thân”, bác sĩ Minh Mẫn nhấn mạnh.

Về liều lượng, bác sĩ Nhất Duy cho hay, người trưởng thành khỏe mạnh có thể dùng tối đa 400 mg caffeine/ngày (3-4 tách cà phê). Ở người cao tuổi, cần giới hạn ở mức 200-300 mg caffeine/ngày (1-2 tách nhỏ).

Người có bệnh nền và thể trạng đặc biệt: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, nên tham khảo ý kiến bác sĩ, ưu tiên cà phê decaf (không chứa caffeine).

Dạ dày nhạy cảm: Không uống cà phê khi đói, ưu tiên cà phê ít axit (Cold Brew).

Phụ nữ mang thai và cho con bú: Tối đa 200 mg caffeine/ngày (1-2 tách nhỏ).

Cách xử trí phản ứng khi uống cà phê

Bác sĩ Lê Nhất Duy chỉ ra các trường hợp phản ứng với cà phê vì các nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan và đề xuất cách đối phó.

Dị ứng cà phê: Ngứa, phát ban, sưng môi/lưỡi, khó thở.

Xử trí: Ngưng uống ngay lập tức. Dùng thuốc kháng histamine nếu triệu chứng nhẹ. Gọi cấp cứu nếu có dấu hiệu nghiêm trọng như khó thở.

Tác dụng phụ từ caffeine: Mất ngủ, lo âu, tim đập nhanh, đau dạ dày.

Xử trí: Uống nhiều nước để tăng đào thải caffeine. Ăn nhẹ để giảm kích ứng dạ dày. Thư giãn, hít thở sâu để giảm lo âu và tim đập nhanh.

Phản ứng khi cai caffeine đột ngột: Nhức đầu, mệt mỏi.

Xử trí: Giảm caffeine từ từ thay vì ngừng đột ngột. Sử dụng cà phê decaf hoặc trà xanh thay thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.