Bác sĩ chia sẻ tác dụng trị bệnh của mâm ngũ quả ngày tết

Lê Cầm
Lê Cầm
18/01/2023 04:03 GMT+7

Bên cạnh các giá trị văn hóa và điểm tô thêm cho không gian ngày tết thì các loại trái cây trong mâm ngũ quả còn có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

Mâm ngũ quả thường gồm mãng cầu xiêm, sung, dừa, đu đủ, xoài, với mong muốn bước sang năm mới đủ đầy, sung túc. Đây là những loại quả mang giá trị dinh dưỡng cao.

Mãng cầu xiêm

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, từ “cầu” trong “mãng cầu xiêm” được phát âm giống như lời cầu chúc trong năm mới. Mãng cầu vừa được dùng trong ẩm thực, vừa có tác dụng làm thuốc chữa bệnh. Theo y học cổ truyền, thịt màu trắng của trái mãng cầu xiêm vị dịu, hơi ngọt, chua giống mùi na, có tính giải khát, bổ dưỡng.

"Trong trái mãng cầu xiêm có nhiều chất xơ, vitamin C, B1, B2, khoáng chất (sắt, canxi, natri, kẽm, phospho, kali, magne), đường, chất chống oxy hóa, ít calo,… giúp cải thiện hệ miễn dịch, kích thích tiêu hóa, làm đẹp da, bồi bổ sức khỏe, giảm cân, cải thiện thiếu máu, ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch…", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa khoảng 50 g mãng cầu xiêm, tránh ăn quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe.

Trái sung

Trái sung trong mâm ngũ quả thể hiện mong muốn sung túc trong năm mới.

Theo y học cổ truyền, trái sung vị ngọt chát, tính bình, tác dụng nhuận tràng thông tiện, nhuận phế lợi hầu, tiêu viêm, tiêu đàm, bổ máu, tiêu thũng giải độc…

Theo nghiên cứu y học hiện đại, trái sung có chứa nhiều dinh dưỡng như chất xơ, canxi, chất chống oxy hóa, vitamin A, C, K, B… giúp cải thiện sức khỏe xương, chữa táo bón, trĩ, bảo vệ gan, trị sỏi (mật, thận, bàng quang), cải thiện bệnh đái tháo đường, giảm mỡ máu, giảm huyết áp, chữa các bệnh về da như vảy nến, chàm, giúp tóc chắc khỏe, hỗ trợ giảm cân, chữa viêm loét dạ dày, kích thích tăng tiết sữa ở phụ nữ sau sinh, chữa viêm khớp, viêm họng,…

Trái sung vị ngọt chát, tính bình

Shutterstock

Người mắc bệnh táo bón, trĩ mỗi ngày ăn tươi 10 quả chín sẽ thông tiện, tiêu viêm. Phụ nữ ít sữa có thể ninh chân giò lợn 200 g với 8 quả sung ăn cho nhiều sữa. Hay món sung ngâm (ngâm tỏi ớt, ngâm nước mắm, …) là món ăn chống ngán tuyệt vời trong bữa cơm gia đình.

Lưu ý nên ăn sung lượng vừa phải, quá liều có thể dẫn đến tiêu chảy.

Trái dừa

“Dừa” có âm tương tự như là “vừa” trong tiếng miền Nam, có nghĩa không thiếu.

Theo y học cổ truyền, nước dừa có vị ngọt, tính bình. Việc uống nước dừa thường xuyên có tác dụng khỏe tim, lợi tiểu, trừ giun, ngừng tiêu chảy. Cùi dừa vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng ích khí, trừ phong, nhuận da. Dầu dừa dùng ngoài da có thể chữa lở ngứa, dị ứng mẩn ngứa do lạnh, viêm da do thần kinh, hắc lào…

Theo tây y, nước dừa rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin B, C, sắt, canxi, kali, magiê, natri, protein, đường… ngăn ngừa sỏi thận, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, bổ sung chất điện giải, lợi tiểu, tăng sức đề kháng, nâng cao miễn dịch,…

Nước dừa rất giàu chất dinh dưỡng và vitamin khoáng chất

Shutterstock

Tuy nhiên bác sĩ Vũ lưu ý không nên dùng nước dừa vào buổi tối dễ gây khó tiêu. Những người thể tạng thuộc âm như chậm tiêu, thích uống đồ ấm, da xanh tái,… không nên uống nước dừa. Người suy thận khi sử dụng nước dừa cần cân nhắc lượng vừa phải để không ảnh hưởng đến chức năng thận.

Trái đu đủ

Đu đủ tượng trưng cho sự đầy đủ, phồn thịnh. Theo bác sĩ Vũ, trong y học cổ truyền, đu đủ còn gọi là mộc qua, có tính hàn, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, bổ phế tỳ. Món đu đủ chưng với đường phèn (1 quả đu đủ chín, gọt vỏ, thái miếng, đựng trong bát to, thêm đường phèn, chưng cách thủy), ăn rất ngon, già trẻ ăn quanh năm đều được. Ăn trong mùa xuân, hè có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Ăn vào mùa thu, đông có tác dụng nhuận táo, ấm dạ dày, bổ tỳ vị, dưỡng gan.

Theo tây y, quả đu đủ chín có chứa nước, đường, protein, vitamin A, B, C, và các chất vi lượng như Ca, Mg,… Đây là loại quả tốt cho tiêu hóa, sức khỏe tim mạch, chống lão hóa, ung thư, giúp mắt khỏe mạnh, cải thiện hệ miễn dịch (giúp phòng chống các loại bệnh thường xuất hiện khi giao mùa như: cảm, cúm,…).

Đu đủ chín chứa nhiều vitamin

Shutterstock

Lưu ý khi ăn đu đủ, bạn nên bỏ hạt. Người có chức năng tiêu hóa kém không nên quá lạm dụng đu đủ sẽ bị phản tác dụng. Người bị loãng máu nên hạn chế ăn đu đủ.

Xoài

Có phát âm giống như là “xài” trong tiếng miền Nam, biểu thị cho cầu mong cả năm tiêu xài không thiếu thốn.

Xoài là loại trái cây ngon và tốt cho sức khỏe

shutterstock

Xoài là loại trái cây ngon và tốt cho sức khỏe. Trong quả xoài chứa nhiều chất bột (quả xanh nhiều hơn quả chín), chất đường, và nhiều loại vitamin (A, C, E, B,..), khoáng chất (canxi, sắt, magie, kali, natri, đồng, selen,…). Nó có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, hỗ trợ phát triển thị lực, ngăn ngừa ung thư…

"Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều xoài vì có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy. Hạn chế ăn quả sống lúc bụng đói, vì vị chua sẽ làm kích thích dịch vị trong dạ dày gây nguy cơ mắc bệnh đường ruột", bác sĩ Vũ lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.