Bác sĩ điều trị Covid-19: Dịch không đáng sợ nếu đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên

16/03/2020 10:05 GMT+7

Virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, chưa có thuốc điều trị, vắc xin phòng bệnh, nhưng không đáng sợ nếu mỗi người ý thức chủ động đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và rửa tay thường xuyên phòng dịch Covid-19 .

Nếu mỗi người đều có ý thức chủ động phòng ngừa thì dịch Covid-19 không đáng sợ

Chúng tôi tìm gặp bác sĩ Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên (TP.Phúc Yên, Vĩnh Phúc) - người tham gia điều trị các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên), vào một ngày giữa tháng 3, để được nghe kể  về hậu trường đối mặt với dịch Covid-19.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và bác sĩ Vịnh diễn ra trong phòng trực ban tại khu cách ly tập trung của Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên. Thời điểm này, bác sĩ Vịnh đang phải theo dõi sức khoẻ của một nhóm cán bộ quản lý thị trường có tiếp xúc gián tiếp với người bay chung trên chuyến bay VN0054 của Vietnam Airlines có bệnh nhân số 17 nhiễm dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Việt Nam công bố bệnh nhân thứ 57 nhiễm Covid-19

Gần 20 năm công tác trong ngành y, đối diện vô số dịch bệnh phức tạp, nhưng bác sĩ Vịnh thừa nhận chưa có dịch bệnh nào khiến tâm lý chung của nhiều người lại lo lắng như dịch Covid-19 lần này. "Bởi nền y tế hiện đại như Mỹ, Hàn Quốc còn có người chết, còn Ý hiện giờ cũng đang vỡ trận, tỷ lệ chết rất nhiều”, bác sĩ Vịnh lý giải, mở đầu câu chuyện.
Trực tiếp điều trị và theo dõi các ca dương tính với virus SARS-CoV-2, bác sĩ Vịnh cho biết, trong 6 người (5 người lớn và 1 bệnh nhi) được điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, chỉ có duy nhất bệnh nhân sau cùng là N.V.V (50 tuổi, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên) có triệu chứng tương đối rõ ràng một chút. Bệnh nhân có sốt nhẹ, ho, có đau ngực, đau họng, nhưng triệu chứng là vậy thôi, còn khi đưa lên chụp ra phim, bác sĩ kiểm tra kỹ cũng không thấy biểu hiện gì khác thường, viêm phổi cũng không có.
“May mắn vừa qua là các ca điều trị ở Vĩnh Phúc đều ở thể nhẹ, không có người già, không có người mắc bệnh nền gì cả, nhưng nói vậy cũng không thể chủ quan được”, bác sĩ Vịnh nói, và nhấn mạnh Covid-19 là dịch bệnh nguy hiểm, hiện chưa có vắc xin, thuốc điều trị. Nhưng người dân không nên quá hoang mang vì không phải không có cách phòng ngừa. Nếu mỗi người đều có ý thức chủ động phòng ngừa thì dịch Covid-19 không đáng sợ.

Cảnh báo mối nguy từ nút bấm, thang máy chung cư

Bác sĩ Vịnh đặc biệt lưu ý, mọi người nên ghi nhớ và làm theo các khuyến cáo y tế hiện nay, quan trọng nhất là vệ sinh đôi bàn tay. Cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đều khẳng định virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 chủ yếu lây qua các bề mặt tiếp xúc, còn khả năng lây qua đường giọt bắn là rất ít thôi, vì mọi người đã có ý thức đeo khẩu trang.
phong-dich-covid-19

Bác sĩ Nguyễn Quang Vịnh lưu ý nên vệ sinh ngay sau khi tiếp xúc với nút bấm trong thang máy để phòng ngừa dịch Covid-19

Ảnh Thu Hằng

“Thế nên tại sao cả nước ngoài và Việt Nam đều khuyến cáo người dân là cứ khoảng 15 phút rửa tay 1 lần. Bởi đôi bàn tay chúng ta tiếp xúc gần như với tất cả bề mặt, từ tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay nắm cửa… ”, bác sĩ Vịnh nói.
Còn đối với khẩu trang, để phòng dịch Covid-19, theo bác sĩ Vịnh, không nhất thiết là khẩu trang y tế, vì khẩu trang vải cũng che chắn giọt bắn được. Giọt bắn từ người mang bệnh bắn ra xung quanh chỉ trong khoảng 2 m nên phải sử dụng khẩu trang khi đến chỗ đông người.
Đặc biệt, theo bác sĩ Vịnh, cần chú ý phòng dịch ở những nơi công cộng. Đối người người ở chung cư, ngón tay bấm vào thang máy là một vấn đề đáng phải lưu tâm phòng ngừa khi có nhiều người cùng tiếp xúc. Bên cạnh đó, khoang thang máy chung cư thường rất bé nên cố gắng đi càng nhanh càng tốt, tránh lúc đông người.

"Ở viện 4 tuần, về nhà vợ hỏi, âm tính chưa?”

Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Quang Vịnh cho biết, ngoài các trường hợp dương tính, những người đưa vào cách ly tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà đều là người tiếp xúc gần, có nguy cơ cao nhiễm dịch. Ngày đầu vào đây, gần như ai cũng mất tinh thần, lo lắng và hoảng loạn, nhất là các trường hợp vừa ở nước ngoài về đã bị đưa đi cách ly. Cá biệt có 1 trường hợp tiền sử sảng rượu, khi vào khu cách ly còn chạy nhảy tán loạn, đánh cả nhân viên y tế. Để họ yên tâm cách ly, điều trị, bác sĩ, điều dưỡng phải dùng liệu pháp ổn định tâm lý, đả thông tư tưởng giúp họ vượt qua sợ hãi, bình tĩnh hợp tác phòng dịch.
“Ngay trong gia đình tôi, thấy mình đi chống dịch, cả nhà đều lo lắng. 4 tuần ở viện cùng người bệnh, khi xong nhiệm vụ, xét nghiệm xong cả rồi, vợ còn chưa dám gặp. Về nhà, vợ đứng nhìn, câu đầu tiên hỏi ngay "đã âm tính chưa", mới cho vào nhà. Thực tế nhiều người dân lo lắng, hoang mang là đương nhiên khi họ chưa hiểu biết gì về dịch Covid-19”, bác sĩ Vịnh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.