Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Ly Na, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh viêm mũi vận mạch thường được chẩn đoán nhầm với viêm mũi dị ứng, bao gồm các triệu chứng hắt hơi, chảy mũi trong, hoặc nghẹt mũi thành từng cơn khi gặp mùi mạnh, khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, hoặc cảm xúc quá mức.
Bệnh viêm mũi vận mạch thường gặp ở tuổi trung niên, trung bình từ 30-60 tuổi, nữ thường gặp hơn nam. Hơn 70% phụ nữ tuổi từ 50-64 bị một cơn viêm mũi không do dị ứng trong khoảng thời gian này.
Bệnh viêm mũi vận mạch do hệ thần kinh thực vật phân bố đến mũi phản ứng quá mức đối với thay đổi từ môi trường hay trong cơ thể. Tình trạng mất cân bằng này có thể làm tăng tính thấm mạch máu niêm mạc mũi, gây chảy mũi trong; hoặc gây dồn ứ máu vùng xoăn mũi với biểu hiện nghẹt mũi.
Các yếu tố kích thích thường gặp bao gồm không khí khô, lạnh, ô nhiễm không khí, mùi hương nồng, mùi sơn, khói thuốc lá, đôi khi là thức ăn cay, rượu…
Một số thuốc cũng được ghi nhận gây viêm mũi vận mạch, bao gồm thuốc ngừa thai, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc giảm đau, thuốc điều trị rối loạn cương...
Viêm mũi vận mạch liên quan chặt chẽ đến yếu tố stress, và nó có thể xuất hiện trong quá trình sinh hoạt tình dục (viêm mũi tuần trăng mật).
Biện pháp phòng tránh
Hiện chưa có biện pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh. Tuy nhiên, người bệnh có thể tự điều chỉnh bằng cách xác định các yếu tố kích thích bệnh để phòng tránh tối đa. Đối với viêm mũi mới xuất hiện sau khi sử dụng một loại thuốc, người bệnh có thể trao đổi lại với bác sĩ để thay đổi loại thuốc khác phù hợp hơn.
Các biện pháp khác bao gồm rửa mũi bằng nước muối sinh lý, dùng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ và làm việc, luyện tập cân bằng giữa hoạt động thể dục thể thao và liệu pháp thiền, thư giãn để hỗ trợ cân bằng hệ thần kinh thực vật....
Bệnh nhân cần đi khám khi các triệu chứng nặng hoặc kéo dài, nước mũi đục, sốt, ngủ ngáy, đau đầu.
Bình luận (0)