Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Tường, khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời: Với tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết mùa hè oi bức đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc và góp phần tác động xấu đến sức khỏe.
Việc sử dụng máy lạnh cũng được chứng minh đem lại những lợi ích nhất định đối với hiệu suất công việc, cũng như mang lại sự thoải mái cho con người, cả những bệnh nhân đang nằm viện. Tuy nhiên việc sử dụng máy lạnh thường xuyên, để nhiệt độ quá lạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường hô hấp.
Không khí lạnh dễ làm khô niêm mạc mũi, nơi giúp bảo vệ đường hô hấp ngăn chặn các tác nhân vi khuẩn hay virus đi vào phổi và gây viêm nhiễm, đặc biệt với những người có bệnh lý hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dãn phế quản, những người già lớn tuổi, nhiều bệnh nền, sức đề kháng yếu. Có nhiều nghiên cứu chứng minh không khí quá lạnh sẽ làm những người có bệnh lý hen hoặc bệnh phổi tăng mẫn cảm dễ lên cơn co thắt phế quản gây đợt cấp hen.
Việc chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa môi trường bên ngoài và trong phòng cũng sẽ khiến cơ thể chưa kịp thích nghi gây hiện tượng sốc nhiệt. Để an toàn, người dùng máy lạnh không nên để chênh lệch nhiệt độ môi trường và nhiệt độ máy lạnh quá 7 độ. Thường xuyên để phòng ốc thông thoáng, vệ sinh máy lạnh định kỳ, vì các tác nhân gây nhiễm khuẩn có thể tồn tại trong môi trường kín, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hô hấp.
Phòng ngủ có máy lạnh cần được dọn dẹp sạch sẽ, thường xuyên. Vào buổi sáng sau khi sử dụng máy lạnh nhiều giờ qua đêm, nên mở các cửa sổ để đón nắng và gió giúp khử khuẩn, lưu thông không khí.
Khi ngủ, tránh ngủ ở nơi máy điều hòa thổi thẳng vào mặt, đầu vì có thể sẽ gây ngạt mũi, viêm họng. Ngoài ra, để tạo độ ẩm cho không khí khi sử dụng điều hòa, có thể đặt một chậu nước ở một góc của phòng ngủ.
Bình luận (0)