Bác sĩ Mỹ nói gì về tin đồn vắc xin Covid-19 gây vô sinh, ảnh hưởng đến tuổi dậy thì?

La Vi
La Vi
03/11/2021 10:03 GMT+7

Tiêm vắc xin Covid-19 liệu có làm giảm khả năng sinh sản trong tương lai? Đó là một trong những lo lắng hàng đầu của các bậc phụ huynh tại Mỹ liên quan việc tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em .

Các bác sĩ và giới chức y tế đều khẳng định rằng không có cơ sở khoa học nào để lo ngại vắc xin có thể ảnh hưởng giai đoạn dậy thì hoặc khả năng sinh sản.

Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cho hay: "Những tuyên bố vô căn cứ liên quan đến việc tiêm vắc xin Covid-19 gây vô sinh đã bị bác bỏ về mặt khoa học".

"Không có bằng chứng nào cho thấy vắc xin có thể dẫn đến mất khả năng sinh sản. Dù khả năng sinh sản không được nghiên cứu cụ thể trong các thử nghiệm lâm sàng của vắc xin, nhưng đã không ghi nhận trường hợp mất khả năng sinh sản nào trong số những người tham gia thử nghiệm hoặc trong số hàng triệu người đã tiêm vắc xin", AAP nhấn mạnh.

Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc xin Covid-19 gây vô sinh cho trẻ trong tương lai

reuters

AAP cũng cho biết không có bằng chứng nào cho thấy vắc xin Covid-19 ảnh hưởng đến tuổi dậy thì.

Tiến sĩ Paul Offit, một trong những cố vấn vắc xin của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), giải thích: "Quan niệm sai lầm này xuất phát từ một bức thư được viết cho Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho rằng có sự giống nhau giữa protein gai của SARS-CoV-2 và một loại protein nằm trên bề mặt của tế bào nhau thai được gọi là syncytin-1".

Quan niệm này cho rằng nếu tạo ra phản ứng kháng thể với protein gai của virus corona, thì cũng đang vô tình tạo ra phản ứng kháng thể với protein syncytin-1 trên bề mặt tế bào nhau thai, sau đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Chương trình tiêm chủng cho trẻ em ở Mỹ

reuters

Tiến sĩ Offit khẳng định đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm: "Điều này là không đúng. Hai protein đó rất khác nhau. Nói chúng giống nhau thì chẳng khác gì nói rằng tôi và bạn có mã số an sinh xã hội giống nhau chỉ vì đều có số 5".

Ông cũng đưa ra dẫn chứng về tỉ lệ sinh trong nhóm thử nghiệm vắc xin và tỉ lệ sinh trong thực tế đều không giảm để phản bác quan điểm trên.

"Nếu [kháng thể sinh ra] ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản thì tỉ lệ sinh lẽ ra phải giảm, nhưng điều đó lại không xảy ra".

Tiến sĩ Peter Marks, người đứng đầu bộ phận vắc xin của FDA, đã đề cập đến lo ngại này trong một cuộc họp báo hôm 29.10.

Ông Marks cho biết: "Những loại vắc xin này đã được đánh giá trong nhiều nghiên cứu trước khi chúng được sử dụng và hiện chúng được tiêm cho hàng triệu người. Không có bằng chứng nào cho thấy tác dụng phụ đối với khả năng sinh sản".

Cả vắc xin của Pfizer và Moderna đều là vắc xin mRNA. Loại vắc xin này sử dụng vật liệu di truyền được gọi là RNA thông tin, tức mRNA, để hướng dẫn các tế bào của chính cơ thể tạo ra một phần nhỏ của protein gai của virus corona, từ đó huấn luyện cơ thể nhận ra và tấn công protein này.

Tiến sĩ Marks giải thích: "Các loại vắc xin này khi đi vào tế bào, tế bào sẽ tạo ra protein trên bề mặt trong một khoảng thời gian ngắn. Khi đó cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch. Thành phần mRNA trong vắc xin ban đầu sẽ bị suy thoái. Vì vậy nó không kết hợp vào vật chất di truyền của cơ thể người, điều đó không thể xảy ra".

Đây không phải là lần đầu các bậc phụ huynh lo lắng vắc xin có thể gây vô sinh cho con. Khi Nigeria tiến hành tiêm chủng ngừa bại liệt trong thập niên 1990-2000, nhiều cộng đồng đã phản đối vì có tin đồn vắc xin nhằm triệt sản người dân để giảm dân số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.