Bác sĩ: Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ tim

Lê Cầm
Lê Cầm
31/05/2024 04:09 GMT+7

Đột quỵ tim hay còn gọi nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh mạch vành.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tất Khánh Dương (khoa Nội tổng hợp - chuyên khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết đột quỵ tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp ngày càng gia tăng và trẻ hóa do lối sống và chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thói quen ít vận động, lạm dụng rượu bia, thuốc lá… Nếu trước đây, đa phần những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim thì những năm gần đây, nhiều người ở độ tuổi từ 30 - 40 tuổi đã mắc bệnh, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ tim

Bác sĩ Dương cho biết, sự giảm đột ngột và đáng kể lưu lượng máu đến tim gọi là cơn đau tim. Đột quỵ tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp là hậu quả do sự hình thành các mảng xơ vữa ở động mạch vành (là động mạch cấp máu nuôi cơ tim). Sự hình thành các mảng xơ vữa này là nguyên nhân tạo ra các cục máu đông, dẫn tới ngăn chặn một phần hoặc hoàn toàn dòng máu nuôi cơ tim.

Khi bị thiếu máu nuôi dưỡng, các tế bào cơ tim sẽ dần chết đi, đồng nghĩa với việc mô cơ tim bị hủy hoại. Khoảng thời gian từ 3 - 6 tiếng đầu tiên sau khi đột quỵ tim xảy ra là thời điểm vàng để cấp cứu khi người bệnh gặp các dấu hiệu như đau tức ngực đột ngột, mệt, khó thở, ngất.

Bác sĩ: Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ tim- Ảnh 1.

Người có bệnh nền tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... cần tầm soát tim mạch định kỳ để kiểm tra sức khỏe

PEXEL

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo đột quỵ tim phổ biến nhất:

  • Đau ngực: Đây là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ tim phổ biến nhất. Đau như có áp lực đè nặng, bóp nghẹt hoặc đau nhói và có thể lan đến vai, cổ, hàm hoặc lưng... Cơn đau kéo dài hơn một vài phút hoặc biến mất và tái phát.
  • Khó thở: Xuất hiện cảm giác khó thở hoặc thở dốc bất ngờ.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa: Điều này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
  • Chóng mặt: Có thể cảm thấy như sắp ngất xỉu hoặc mất thăng bằng.
  • Đổ mồ hôi lạnh: Đổ mồ hôi nhiều, ngay cả khi trời không nóng.
  • Tinh thần lo lắng, hoảng loạn

Thông thường, các dấu hiệu đột quỵ tim sẽ xảy ra khá nhanh chóng. Người bị đột quỵ tim có thể bị đột tử do rối loạn nhịp hoặc suy tim do hoại tử cơ tim nếu tình trạng này kéo dài và không được điều trị sớm. Nếu bạn hoặc người thân gặp bất kỳ triệu chứng nào trong những triệu chứng trên, cần nhanh chóng gọi đến cấp cứu gần nhất để nhận sự hỗ trợ từ bác sĩ.

Phòng tránh đột quỵ tim

Bác sĩ Khánh Dương khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ tim nên khám và tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ 1 - 2 lần/năm đối với những đối tượng trên 40 tuổi hoặc tiền căn gia đình có người thân mắc các bệnh tim mạch xơ vữa như bệnh mạch vành hoặc tai biến mạch não, tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, sử dụng chất kích thích.

Bác sĩ: Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ tim- Ảnh 2.

Nên tăng cường bổ sung các loại rau xanh, củ quả và chất xơ, hạn chế ăn mặn

LÊ CẦM

Đối với người có nguy cơ cao như người cao tuổi, nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh, có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, thận mạn, rối loạn mỡ máu thì cần thăm khám thường xuyên hơn... Những người từng bị nhồi máu cơ tim cấp có nhiều khả năng bị tai biến mạch máu não và ngược lại.

Để phòng tránh đột quỵ tim, bác sĩ Dương khuyến cáo người dân cần bỏ hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại rau xanh, củ quả và chất xơ, hạn chế ăn mặn. Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát huyết áp, kiểm soát lượng cholesterol, kiểm tra thường xuyên lượng đường trong máu, tuân thủ điều trị để ổn định huyết áp và mỡ máu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.