Bác sĩ ơi: Bị mất ngủ thường xuyên, phải điều trị như thế nào?

13/12/2018 09:11 GMT+7

Hơn một tháng qua, tôi thường xuyên bị mất ngủ. Cứ khoảng 1-2 giờ đêm lại thức giấc, sau đó không thể nào ngủ lại được. Có hôm thì dù đã cố gắng đi ngủ sớm nhưng vẫn cứ thức đến 1-2 giờ đêm không ngủ.

Thế nên hầu như cả ngày đều mệt mỏi. Xin bác sĩ tư vấn giúp làm thế nào để điều trị chứng mất ngủ này? (Nguyễn Bảo Nguyên, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Theo thạc sĩ - bác sĩ Phạm Tiến Phương, Khoa Nội Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM):
Giấc ngủ là một hành vi quan trọng của cuộc sống, chiếm 1/3 cuộc sống. Tuy nhiên, các thống kê y khoa cho thấy có khoảng 30% người lớn có rối loạn giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ được phân loại gồm: mất ngủ, ngủ rũ, ngưng thở lúc ngủ tắc nghẽn, ngưng thở lúc ngủ trung ương, giảm thông khí liên quan đến giấc ngủ, rối loạn thức tỉnh lúc ngủ NREM (NREM là giai đoạn ngủ không có vận động nhãn cầu nhanh), rối loạn ác mộng, rối loạn hành vi giấc ngủ REM (REM là giai đoạn ngủ có vận động nhãn cầu nhanh), hội chứng chân không yên và rối loạn giấc ngủ liên quan tới thuốc/chất.
Trong đó, mất ngủ là rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất.
Mất ngủ là sự không thỏa mãn về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ đi kèm với ít nhất một trong các triệu chứng sau: khó vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ với thường xuyên thức giấc hoặc khó quay lại giấc ngủ, thức dậy vào buổi sáng sớm với không có khả năng quay lại giấc ngủ.
Vì vậy, người bị mất ngủ sẽ mệt mỏi, dễ nóng giận, quên, hay do dự, ảo giác. Nghiêm trọng hơn, rối loạn giấc ngủ dẫn đến nguy cơ đột quỵ tăng 83%; suy giảm hệ thống miễn dịch, suy nhược cơ thể, thần kinh; suy giảm trí nhớ; nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh, cơ xương khớp, gan mật…
Mất ngủ thường có nguyên nhân do bệnh lý tâm thần hoặc môi trường, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn nhịp thức ngủ chu kỳ.
Để điều trị bệnh này, tốt nhất bệnh nhân nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn phương pháp điều trị hợp lý. Đặc biệt, không nên lạm dụng thuốc ngủ. Việc tự ý dùng thuốc chữa mất ngủ có thể gây ra tình trạng lệ thuộc vào thuốc và các biến chứng về tim, gan, thận, thần kinh…
Hiện bệnh rối loạn giấc ngủ có thể điều trị bằng phương pháp hiện đại, hiệu quả, an toàn và đặc biệt hoàn toàn không dùng thuốc. Tại Bệnh viện Gia An 115, rối loạn giấc ngủ được điều trị bằng máy từ trường, là phương pháp điều trị không dùng thuốc, không xâm lấn, không gây đau. Theo đó, các bác sĩ điều chỉnh tần số, cường độ phù hợp, làm dịu các xung kích thích thần kinh giúp người bệnh an thần, không lệ thuộc vào thuốc, tạo thuận lợi vào giấc ngủ sinh lý để người bệnh ngủ nhanh hơn, chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân cần điều chỉnh “vệ sinh giấc ngủ” như: Thức giấc đúng giờ hằng ngày; giới hạn thời gian nằm trên giường về mức bình thường; tránh ngủ ngắn ban ngày (ngoại trừ khi ngủ ngày làm cho giấc ngủ ban đêm tốt hơn).
Cần ngưng các chất kích thích (caffeine, nicotine, rượu…); ăn uống điều độ hằng ngày, tránh ăn quá nhiều trước khi ngủ.
Tránh kích thích lúc tối, như nghe radio hoặc xem tivi, dùng máy tính.
Cần hình thành thói quen tập thể dục buổi sáng; các hoạt động thư giãn ban đêm như giãn cơ hay thiền, yoga cũng giúp “tìm lại giấc ngủ”.
Duy trì các điều kiện để giấc ngủ thoải mái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.