Tôi đi làm xét nghiệm máu, bác sĩ bảo bị nhiễm giun, cho tôi xổ giun và thuốc chống mề đay. Được 1 tháng thì ngứa trở lại. Thưa bác sĩ, giờ tôi phải làm sao? (Nguyễn Thúy, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Mề đay là bệnh dị ứng, thường gặp, dễ chẩn đoán, đôi khi khó trị. Có rất nhiều nguyên nhân gây mề đay như: thức ăn; thuốc kháng sinh, thuốc insulin...; các bệnh nhiễm khuẩn lâu ngày như: viêm xoang, đau răng, đau họng...; các yếu tố vật lý như lạnh, tì đè (mặc quần chật), phấn hoa, bụi nhà...; thay đổi thân nhiệt... Phần lớn chúng ta không tìm ra được “thủ phạm”, do đó không tránh nó và cuối cùng thì sẽ ngứa.
tin liên quan
Bác sĩ ơi: Khi nào thì cần làm xét nghiệm sán lợn?Gần đây người ta hay “kết tội” do giun sán và cho xổ giun, nhiều khi uống thuốc xổ giun kéo dài vài tuần. Rất mệt mỏi và lo âu nhưng sau đó thì vẫn ngứa lại.
Theo lời bạn kể thì xét nghiệm máu của bạn có thể là xét nghiệm huyết thanh để tìm kháng thể chống lại các loại giun sán. Xét nghiệm này dương tính thì chỉ có thể kết luận là chúng ta đã từng bị nhiễm các loại giun sán này, chứ chưa thể kết luận là các loại giun sán này đang gây ra mề đay. Một xét nghiệm quan trọng cần phải làm thêm là công thức máu (tổng phân tích tế bào máu ngoại vi) để tìm xem bạch cầu ái toan (Eosinophils) có tăng cao không (tăng: nếu Eosinophils >5% so với tổng số bạch cầu). Xét nghiệm này dễ làm, chi phí thấp nhưng giúp chúng ta quyết định có nên xổ giun hay không.
Tóm lại, muốn kết luận mề đay do giun sán thì phải dựa vào nhiều yếu tố như: bệnh kéo dài nhiều tuần, từng tiếp xúc với nguồn lây như chó mèo; ăn hải sản, thịt sống; tiếp xúc nhiều với đất…, xét nghiệm giun sán dương tính và bạch cầu ái toan trong máu tăng cao. Đôi khi cũng cần phải thử phân tìm ký sinh trùng nữa.
Mề đay gây ngứa, đôi khi kéo dài làm giảm chất lượng sống. Nguyên nhân rất nhiều nên bạn cần lưu ý “lịch sử” hoạt động của mình: Trước khi nổi mề đay mình ăn gì, làm gì, ở đâu và có tiếp xúc với điều gì lạ. Khi ngứa thì phải uống thuốc, nhưng thường thì không ai mắc bệnh này suốt đời.
Bình luận (0)