Bác sĩ ơi: Trẻ bị 'bệnh vặt', khi nào thì nên cho uống thuốc?

26/09/2017 10:01 GMT+7

Bác sĩ ơi, cả hai bé nhà tôi (2 tuổi, 5 tuổi) rất hay bệnh vặt, nhất là khi thời tiết thay đổi. Bé còn nhỏ nên mỗi khi cháu bị ho, cảm, sốt,... tôi rất lúng túng không biết nên cho con dùng thuốc thế nào? Mong bác sĩ cho lời khuyên. Cám ơn bác sĩ! (Bùi Thu Minh, Nha Trang)

Trả lời: Gọi là “bệnh vặt” thường là các bệnh cảm, ho, viêm họng, sổ mũi, đau bụng… Thuốc chữa “bệnh vặt” thường là thuốc chữa triệu chứng: ho thì uống giảm ho, sốt thì uống giảm sốt, ói thì uống chống ói... Vì triệu chứng "bệnh vặt" có thể làm trẻ khó chịu, bỏ ăn, bú không được, ngủ không được nên bệnh khó hết và càng nặng thêm.
Thế nên, một mặt, khi thấy trẻ sụt sịt, phụ huynh lại thường tìm ngay đến thuốc kháng sinh. Mặt khác, khi đọc hướng dẫn sử dụng thuốc, thường phụ huynh rất sợ tác dụng phụ nên có lúc không dám uống dù là có toa của bác sĩ.
Một số thuốc hướng dẫn không dùng cho trẻ nhỏ thật ra không phải là không dùng được mà tùy vào liều, tùy vào dạng thuốc (gói, siro, viên). Điều này chỉ bác sĩ mới biết nên cần ý kiến bác sĩ.
Sốt
Cần uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38-38,5 độ hay khi trẻ khó chịu. Trẻ đã từng co giật do sốt càng phải uống ngay.
Thuốc uống ngấm nhanh và tốt hơn thuốc nhét hậu môn.
Có bé chịu paracetamol (liều 10-15 mg/kg cân nặng, uống mỗi 4-5 giờ). Có bé chịu ibuprofen (liều 6-10 mg/kg cân nặng, uống mỗi 6-8 giờ).
Sổ mũi
Khi bé sổ mũi, phụ huynh làm bấc sâu kèn để lấy mũi cho trẻ.
Hiện nay, có loại thuốc gây co mạch nồng độ thấp nhất là Xylometazoline hydrochloride có thể dùng khi bé quá nghẹt mũi nhưng không dùng quá 5 ngày.
Cần uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38-38,5 độ hay khi trẻ khó chịu ShutterStock
Ho
Thuốc ho chế biến từ thảo dược thường an toàn. Các bài thuốc chữa ho dân gian cũng dùng được (nếu sạch).
Các thuốc ức chế làm giảm ho thường chỉ dùng cho bé trên 16 tháng khi cần.
Tiêu chảy
Hiện nay, phương pháp chính xử trí cho bé khi bị tiêu chảy vẫn là bù nước bằng cách cho em bé bú nhiều, uống nước thường và cần thì uống oresol.
Có vài loại thuốc được công nhân giảm lượng nước trong phân và số ngày đi tiêu như: diosmetic (smecta), racecadotril (hidrasec).
Ngoài ra, kẽm cũng thường được dùng để điều trị tiêu chảy (dùng kẽm trong 2 tuần) nhưng thuốc khó uống.
Ói, ọc
Khi trẻ ói, ọc có thể dùng cốm xitrina hay domperidone (motilium) nhưng phải đúng liều.
Thuốc bổ
Phụ huynh nên có thói quen khi không cần thì không dùng thuốc bổ.
Kháng sinh
Nhiều người lạm dụng kháng sinh và có quan điểm kháng sinh càng mới càng tốt. Rất khó thay đổi quan điểm này hiện nay.
Tuy nhiên, sự thật là không phải kháng sinh càng mới là càng tốt. Mặt khác, cũng không có kháng sinh mạnh hay kháng sinh yếu, chỉ có kháng sinh chữa đúng bệnh.
Phụ huynh nên tập dần thói quen không dùng kháng sinh khi không cần. Trong trường hợp cần thiết thì dùng kháng sinh đơn giản nhất, cũ nhất mà chữa được bệnh.

tin liên quan

Cẩn trọng khi dùng miếng dán chống say tàu xe
Sợ con say xe, mẹ đã mua miếng dán chống say tàu xe dán cho con. Chuyến đi chơi thành ra... nhập viện vì bé bị rối loạn tri giác. Những dịp nghỉ lễ, đi chơi, không ít trẻ nhập viện vì phụ huynh ít biết điều này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.