Cẩn trọng khi dùng miếng dán chống say tàu xe

18/08/2017 08:32 GMT+7

Sợ con say xe, mẹ đã mua miếng dán chống say tàu xe dán cho con. Chuyến đi chơi thành ra... nhập viện vì bé bị rối loạn tri giác. Những dịp nghỉ lễ, đi chơi, không ít trẻ nhập viện vì phụ huynh ít biết điều này.

Chỉ dán thôi vẫn hại
Bé gái 9 tuổi được ba mẹ hốt hoảng đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám vì bỗng nhiên la hét, bò lồm cồm và rất kích động, rồi lại lơ mơ.
Mẹ của bé cho biết bé trước giờ không hề có vấn đề gì về tâm lý, thần kinh cả, bé cũng đang khỏe mạnh bình thường. Bé học giỏi nên nhân được nghỉ, vợ chồng chị thưởng cho con đi TP.HCM chơi. Sợ con bị say xe, ói nên chị đã mua miếng dán chống say tàu xe dán cho con. Sau khi sử dụng miếng dán xong thì bé có biểu hiện lạ trên.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cảnh báo tác dụng phụ nguy hiểm của miếng dán chống say tàu xe đối với trẻ nhỏ 
Qua thăm khám, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), xác định bệnh nhi bị loạn thần do ngộ độc với chất scopolamine trong miếng dán chống say tàu xe. Bệnh nhi phải nằm viện hai ngày để theo dõi và được xuất viện khi các triệu chứng loạn thần đã hết.
Theo bác sĩ Khanh, mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận trung bình khoảng hơn 10 trường hợp trẻ bị loạn thần do ngộ độc hoạt chất scopolamine có trong miếng dán chống say tàu xe. Có trường hợp bệnh nhi chỉ mới 4 tuổi. Có trường hợp bệnh nhi nhập viện khi đã hôn mê.
“Ở nhiều nơi, trẻ nhập viện khi miếng dán đã tháo ra, bác sĩ thiếu kinh nghiệm có thể chẩn đoán nhầm với viêm não”, bác sĩ Khanh lưu ý.
Bác sĩ Khanh cho biết thông thường triệu chứng loạn thần chỉ kéo dài trong khoảng 72 giờ. Sau đó trẻ sẽ tự hết. Tùy vào cơ địa của từng trẻ, triệu chứng có thể là ngủ li bì hoặc bị ảo giác như nhìn thấy quái vật, nhìn thấy không gian xung quanh biến đổi bất thường. Trẻ có thể la hét, kích động dữ dội.
Công thức trong miếng dán chống say tàu xe
Theo bác sĩ Khanh, miếng dán chống say tàu xe có chứa hoạt chất scopolamine. “Các tổ chức dược thế giới chống chỉ định miếng dán chống say tàu xe cho trẻ em dưới 12 tuổi. Đặc biệt, theo khuyến cáo, có đến hơn 10% người sử dụng là người lớn có biểu hiện như hoa mắt, đau mắt, nôn nao... sau khi dùng miếng dán chống say tàu xe”, bác sĩ Khanh nói.
Tuy nhiên, nhiều loại miếng dán chống say tàu xe hiện nay trên bao bì đều chỉ chống chỉ định cho trẻ em dưới 8 tuổi và vẫn có liều dùng cho trẻ từ 8 tuổi trở lên. Thậm chí, tại một số nhà thuốc, khi hỏi miếng dán chống say tàu xe cho trẻ em, nhiều người bán còn hướng dẫn, nếu trẻ dưới 8 tuổi có thể dùng 1/2 miếng. Mặt khác, nhiều phụ huynh khi mua, cho trẻ dán miếng dán chống say tàu xe thường không để ý đến phần “chống chỉ định” của sản phẩm.
Các tổ chức dược thế giới chống chỉ định miếng dán chống say tàu xe cho trẻ em dưới 12 tuổi. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường ở trẻ sau khi dùng miếng dán cần nhập viện ngay và lưu ý khai rõ với bác sĩ về việc sử dụng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)
Vì vậy, không ít trường hợp trẻ phải nhập viện vì tác dụng phụ do scopolamine sau khi sử dụng miếng dán chống say tàu xe.
Ngoài ra, phụ nữ có thai và người mẫn cảm với scopolamine, người có bệnh về mắt cũng không được sử dụng miếng dán này.
Bác sĩ Khanh cũng lưu ý, người dân nên cẩn trọng khi dùng miếng dán chống say xe cho người già, người suy chức năng gan hoặc thận, không dùng chung với cồn hay thuốc kháng histamin.
Ngoài ra, không được dán miếng dán ở vùng da trầy xước vì làm tăng sự thẩm thấu qua da và có thể gây ngộ độc. Không kết hợp cả miếng dán và thuốc uống, thuốc tiêm chống say xe. Sau khi dán và gỡ miếng dán cần rửa tay bằng xà phòng, không vứt miếng dán sau khi sử dụng bừa bãi.
“Tác dụng phụ thường gặp là hiện tượng khô miệng, ngủ gà ngủ gật, đau ở mắt... Nếu bị tác dụng phụ cần gỡ miếng dán ngay. Với trẻ em, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường sau khi dùng miếng dán cần nhập viện ngay và lưu ý khai rõ với bác sĩ về việc sử dụng”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Cách hạn chế say tàu xe
Bác sĩ Khanh khuyên phụ huynh, các loại thuốc chống say xe dạng uống đa phần chỉ phù hợp với người lớn. Trẻ em nếu có say xe cũng chỉ nên áp dụng các phương pháp dân gian để khắc phục, ví dụ như dùng gừng, chú ý tư thế ngồi… Với trẻ có hiện tượng say tàu xe, trước khi lên xe nên cho trẻ ăn chút gì đó nhưng không nên ăn đồ béo. Nên cho trẻ nhìn ra bên ngoài xe, tập trung vào thứ gì đó đứng im, càng xa càng tốt như một điểm ở đường chân trời; không nên nhìn vào những vật đang chuyển động khác. Đặc biệt, không để trẻ đọc sách khi đang đi xe.
Gừng là phương thuốc dân gian hiệu quả để hạn chế say tàu xe ShutterStock
Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hiệp hội Dược liệu TP.HCM, những người thường say tàu xe trước khi khởi hành khoảng 30 phút nên dùng một khúc gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng nên ngậm trong miệng một lát gừng mỏng. Với trẻ em sẽ dễ hơn nếu cho trẻ ăn mứt gừng, kẹo gừng hoặc uống một ít nước gừng ấm pha đường. Tuy nhiên, chỉ nên dùng cho trẻ trên hai tuổi. Thực tế, nhóm trẻ dưới hai tuổi thường không bị ảnh hưởng bởi chuyện say tàu xe.
Ngoài ra, những người có cơ địa bị say tàu xe nên thường xuyên dùng một số món như: trà nấu vỏ quýt hoặc hoa cúc trắng ngâm nước sôi uống sau bữa ăn, nấm mộc nhĩ nấu canh với thịt nạc…

tin liên quan

Những cách ngăn ngừa say tàu xe đơn giản
Say tàu xe (hay là buồn nôn và nôn do say tàu xe) là một phản ứng bình thường trước những kích thích xảy ra khi đi tàu xe, mà bản thân không thích nghi được.

tin liên quan

Làm sao để tránh 'say máy bay'?
Người dẫn chương trình talkshow Mỹ Mehmet Oz vừa hợp tác với hãng hàng không Turkish Airlines để thực hiện dự án Fly Good Feel Good (tạm dịch Bay tốt, cảm thấy khỏe) nhằm giúp cải thiện trải nghiệm bay của mọi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.