Thạc sĩ - bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Sinh sản châu Á - Thái Bình Dương:
Buồng trứng của phụ nữ được ví như gia tài để thực hiện thiên chức làm mẹ. Khoa học từ lâu đã cho thấy, số lượng nang noãn trong buồng trứng cao nhất là lúc thai nhi nữ còn nằm trong bụng mẹ, lúc khoảng 3 - 4 tháng tuổi thai. Sau đó, số lượng nang noãn này chỉ có thể giảm đi, không tăng thêm được.
Lúc sinh ra, hai buồng trứng của bé gái còn khoảng 1 triệu nang noãn và liên tục giảm dần do nang noãn tự thoái hóa.
Đến khi dậy thì (khoảng 13 tuổi), buồng trứng có thể bắt đầu rụng trứng (phóng noãn). Mỗi tháng, ước tính có khoảng trên 500 nang noãn đi ra khỏi kho chứa noãn để tiếp tục phát triển, để cuối cùng có một nang noãn trưởng thành và rụng trứng. Bên cạnh đó, rất nhiều nang noãn khác vẫn tiếp tục thoái hóa.
Do đó, số nang noãn trong buồng trứng giảm dần theo tuổi.
Đồng thời, khi càng lớn tuổi thì chất lượng nang noãn cũng giảm dần do tuổi sinh học của nang noãn tăng theo tuổi của phụ nữ. Noãn để lâu quá cũng hư hao theo thời gian.
Đến thời điểm mãn kinh, hai buồng trứng còn trên dưới 1.000 nang noãn. Tuy nhiên, những nang noãn này chất lượng kém, không còn sử dụng được nữa.
Vì đặc điểm của buồng trứng phụ nữ tự nhiên là như vậy nên tuổi có thai phù hợp nhất của phụ nữ được y học xác định là 20 - 30 tuổi. Ở độ tuổi này, phụ nữ có thai dễ và ít sẩy thai hay thai lưu.
Sau 35 tuổi, đa số phụ nữ khó có thai và khi có thai hay bị trục trặc.
Các biến chứng, tai biến sản khoa tăng rõ, nếu phụ nữ mang thai sau 35 tuổi.
Sau 40 tuổi thì càng khó có thai hơn. Đồng thời, các bất thường, dị tật ở thai nhi cũng tăng; sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ cũng có nhiều bất thường hơn nếu mẹ lớn tuổi.
Sau 45 tuổi, hiếm phụ nữ có thai và giữ được thai.
Khoảng gần 50 tuổi, phụ nữ bắt đầu mãn kinh.
Bên cạnh đó, một số phụ nữ do từ ban đầu số lượng nang noãn không nhiều hoặc trong quá trình lớn lên, vì nhiều lý do, số nang noãn thoái hóa nhanh hơn và sớm hơn, dẫn đến hiện tượng buồng trứng suy giảm sớm. Một số rất ít khác, buồng trứng đã bất thường từ nhỏ. Bên cạnh đó, các loại phẫu thuật đụng tới buồng trứng đều có thể ảnh hưởng đến số lượng nang noãn.
Đến nay, y học chưa tìm ra cơ chế nào làm tăng số lượng hay cải thiện chất lượng nang noãn. Kích thích buồng trứng hay thụ tinh trong ống nghiệm cũng chỉ giúp tối đa hóa hiệu quả sử dụng số nang noãn còn lại của buồng trứng, chứ không làm buồng trứng tốt lên được.
Chế độ ăn uống, thể dục... có thể phần nào cải thiện được chất lượng nang noãn nhưng không nhiều.
Vì vậy, phụ nữ cần hiểu biết và có kế hoạch phù hợp để sử dụng tốt nhất “gia tài” quý giá này, để có con, mang thai và sinh con khỏe mạnh. Có thể kiểm tra buồng trứng bằng các xét nghiệm đánh giá “dự trữ buồng trứng”.
Nói chung, phụ nữ nếu có ý muốn sinh con, nên có kế hoạch có con sớm, trước 35 tuổi, và nếu phát hiện buồng trứng có vấn đề thì nên sắp xếp để có con sớm hơn.
Bình luận (0)