Bác sĩ Singapore khuyên Duy Mạnh cứ ăn ngủ cho ngon, đừng vội vàng với chấn thương!

14/03/2020 19:28 GMT+7

Chiều 14.3, trung vệ Duy Mạnh từ Singapore trở về Việt Nam và thời gian để tuyển thủ quốc gia hồi phục sau chấn thương khoảng 9 tháng.

Trong trận Siêu cúp quốc gia gặp CLB TP.HCM vào ngày 1.3, Duy Mạnh đã dính chấn thương khá nặng, trong đó nghiêm trọng nhất là đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước đầu gối. CLB Hà Nội đã đưa Mạnh sang bệnh viện Singapore để phẫu thuật với chi phí vào khoảng 700 triệu đồng (Hà Nội chi trả khoảng 400 triệu, phần còn lại do bảo hiểm PTI lo liệu).

Việt Anh cao lớn, trẻ và tài năng thế chỗ Duy Mạnh ở CLB Hà Nội

Ca phẫu thuật dây chằng kéo dài gần 2 tiếng tại bệnh viện SingHealth (Singapore) đã được tiến hành thành công vào tuần trước. Trung vệ người Hà Nội cần phải nghỉ thi đấu ít nhất 9 tháng. Rút kinh nghiệm từ bài học của trung vệ Đình Trọng, các bác sĩ của Singapore đã khuyến cáo cầu thủ số 28 CLB Hà Nội không nên vội vàng trở lại nếu cơ thể chưa đạt 100% về thể lực.

Duy Mạnh tại sân bay Nội Bài

Quỳnh Mai

Ông Nguyễn Giang Đông - bố vợ Duy Mạnh

Quỳnh Mai

Ông Nguyễn Giang Đông, cựu Chủ tịch CLB Sài Gòn, bố vợ của Duy Mạnh, cho biết: “Vợ chồng chúng tôi và Quỳnh Anh cùng ra sân bay đón Mạnh. Tâm lý Mạnh rất ổn. Mạnh cũng xác định về việc chấn thương là một phần của cuộc chơi bóng đá mà nếu không may dính chấn thương thì kiên trì hồi phục. Mạnh cho biết, các bác sĩ cũng dặn dò Mạnh cứ ăn ngủ cho thật ngon, và không nên suy nghĩ quá nhiều về chấn thương. Nếu hồi phục đúng cách thì sau này vẫn trở lại bóng đá một cách bình thường”.

Anh sẽ phải rời xa sân cỏ một thời gian

Quỳnh Mai

Đeo khẩu trang cẩn thận

Quỳnh Mai

Việc thiếu vắng Duy Mạnh hay Đình Trọng dẫu gì cũng ảnh hưởng đến CLB Hà Nội. Mà có lẽ đáng tiếc là trường hợp của Đình Trọng khi anh đã hồi phục chấn thương sai cách. Khi sang Singapore tái khám, bác sĩ tại Singapore đã khẳng định do sớm trở lại tập luyện gây nên viêm sụn chêm ngoài sau phẫu thuật. Việc tiếp tục cố thi đấu dẫn tới giãn dây chằng bên mác giãn nhẹ độ 1, có viêm tại điểm gần với vị trí sụn chêm ngoài. Từ những bệnh lý đó gây ra đau khị trụ dồn lực và xoay gối. Bác sĩ yêu cầu Đình Trọng nghiêm túc chấp hành cách chỉ dẫn được đưa ra. Tập trung điều trị bảo tồn, kết hợp vật lý trị liệu, tập phục hồi cơ. Nếu sau ba tháng bệnh nhân vẫn còn đau thì cần chụp MRI để đánh giá lại”. Bài học của Đình Trọng có lẽ cũng sẽ giúp Duy Mạnh tuân thủ tốt hơn cách điều trị sau chấn thương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.