Vị bác sĩ đã gây chú ý sau khi tiết lộ trên TikTok về kỹ thuật chính xác để "giải quyết nỗi buồn" thu hút 150.000 lượt xem, theo tờ Daily Mail.
Tiến sĩ Karan Rajan, bác sĩ phẫu thuật của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, trong video mới nhất, đã giải thích cách để đi ngoài "thực sự hoàn hảo".
Ông khuyên: Tư thế đúng là nghiêng người về phía trước và ngồi xổm, nâng đầu gối cao hơn hông. Bởi vì ngồi trên bệ có thể khiến ruột kết bị xoắn lại, gây ra căng thẳng.
Thay vào đó, nghiêng người về phía trước và ngồi xổm sẽ tạo ra "lối thoát thông suốt hơn".
Tiến sĩ Rajan giải thích: Hãy tập trung vào các góc, đặc biệt là góc giữa bụng và đùi, làm sao để góc này càng nhỏ càng tốt. Ông chỉ ra rằng có thể giảm góc này bằng cách nghiêng người về phía trước trong khi "xả bụng".
Ông khuyên nên kết hợp điều này với nâng cao gót chân sao cho đầu gối cao hơn hông. Cũng có thể tạo tư thế nâng cao đầu gối bằng cách gác chân lên ghế đẩu, theo Daily Mail.
Tiến sĩ Rajan giải thích: Khi làm như vậy, cơ mu trực tràng - là cơ bao quanh trực tràng - sẽ được thả lỏng, khiến trực tràng thẳng ra và giúp cho việc đi ngoài được dễ dàng hơn.
Nhiều chuyên gia về bài tiết cũng ủng hộ ý kiến của tiến sĩ Rajan. Chuyên gia Giulia Enders, nhà khoa học hàng đầu về đường ruột của Đức, cho biết thậm chí còn có một nghiên cứu điển hình quan trọng ủng hộ quan điểm này, cho thấy tất cả những người sử dụng nhà vệ sinh ngồi xổm không có bệ ngồi cao không gặp các vấn đề do tư thế đại tiện này gây ra, theo tờ New York Post.
Chuyên gia Giulia Enders tuyên bố: 1,2 tỉ người đi ngoài theo kiểu ngồi xổm trên khắp thế giới hầu như không mắc bệnh túi thừa và ít bị bệnh trĩ hơn.
Bệnh túi thừa là tình trạng các túi trong ruột bị viêm, dẫn đến đau bụng, táo bón và chảy máu trực tràng.
Ngược lại, cách "đi" ngồi trên bồn cầu khiến mô ruột bị bóp lại, gây khó khăn cho đường tiêu hóa.
Sử dụng ghế đẩu có thể hữu ích
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng ngồi xổm là một kỹ thuật ưu việt giúp làm rỗng ruột.
Nghiên cứu trước đây được công bố trên tạp chí về tiêu hóa Digestive Diseases and Sciences journal, đã phát hiện ra rằng ngồi xổm trên nhà vệ sinh không có bệ ngồi chỉ mất 51 giây để đi đại tiện, trong khi đi trên bệ ngồi cao phải mất đến 130 giây.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Ohio (Mỹ) năm 2019 đã phát hiện ra rằng sử dụng ghế đẩu có thể hữu ích, theo Daily Mail.
Phân tích hơn 1.000 lần đi đại tiện, các nhà nghiên cứu nhận thấy 90% những người kê cao chân ít bị căng thẳng hơn, và 71% cho biết họ đi nhanh hơn.
Bình luận (0)