Ông Nguyễn Hồng Hải hẹn gặp chúng tôi (PV) trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - một biểu tượng của TP.HCM nơi ông gắn bó cả đời người. Thành phố này cũng là nơi ông quen thuộc từng ngóc ngách nhỏ nhất nhờ những cuốc xe công nghệ, từ trung tâm đến vùng ven ngoại ô trong suốt 8 năm qua.
Bén duyên với “nghề” nhờ các cháu sinh viên
Chia sẻ về hành trình chạy xe công nghệ, ông Hải kể trước đây mình từng làm bảo vệ. 8 năm trước, nhìn thấy các bạn sinh viên bán thời gian thoải mái khi làm tài xế công nghệ, ông nghĩ đến việc thử sức với công việc này và nhờ các bạn trẻ chỉ cách đăng ký chạy. “Ban đầu, tôi chỉ định làm thêm, nhưng khi chạy một thời gian, thấy thu nhập ổn định và thời gian linh hoạt, tôi quyết định nghỉ hẳn nghề bảo vệ để chuyển sang chạy Grab toàn thời gian”, ông tâm sự.
“Tôi thường chạy từ sáng tới tối. Buổi sáng tôi ra xe từ 8 giờ, chạy đến 1 giờ thì nghỉ ngơi, uống cà phê, rồi đến khoảng 3 giờ chiều chạy tiếp đến 7 giờ tối”, ông Hải cho biết.
Ở tuổi ngoài 60, ông Hải nói tiếng Anh lưu loát – một lợi thế giúp ông có thêm nhiều khách hàng quốc tế, từ đó cải thiện thu nhập. Nhớ lại quãng thời gian học ngoại ngữ, ông kể: “Ngày xưa, khi đi bộ đội về, bà xã cũng khuyến khích tôi đi học tiếng Anh vì du lịch bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Lúc đó, tôi học xong bằng B và đang học bằng C, rồi xin vào công ty dịch vụ cho khách du lịch, phục vụ cho các đoàn khách Nga và châu Âu”.
Chính sự trau dồi kiến thức tiếng Anh đã giúp ông Hải tạo dựng một nền tảng ngôn ngữ vững chắc trong công việc hiện tại. “Nhiều khách Tây đặt xe hoặc giao đồ ăn, họ thích tôi vì có thể giao tiếp dễ dàng. Trung bình một ngày cũng có 5-7 đơn từ khách nước ngoài, như ở khu vực Thảo Điền, quận 7, nhiều nhất là ở quận 1 và quận 3”.
Không chỉ dừng ở mức độ giao tiếp đơn giản, ông còn tự tin nói chuyện với khách hàng bằng những câu ngắn gọn, thân thiện, đôi khi gây bất ngờ và thích thú cho khách. Ông hào hứng kể: “Hello, Alexa, can I help you? Do you need help with that? Okay, okay, let’s go… Đây là câu chào quen thuộc của tôi với khách hàng nước ngoài đó”.
Nuôi 2 con học đại học
Với số tiền kiếm được từ việc chạy xe công nghệ, ông Hải có thể chu cấp cho hai người con học đại học. Con trai lớn của ông sinh năm 1996, sau khi học cao đẳng đã nhập ngũ và hiện đang làm việc tại khu công nghiệp Nhà Bè, song song với việc học lên đại học.
Con gái ông, sinh năm 2001, đã tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế và hiện đang có công việc ổn định. “Cháu rất biết ơn và cảm ơn tôi đã nuôi dưỡng cháu học hành. Tôi nghe vậy cảm thấy rất mát ruột. Đó là điều quý giá mà tôi có được từ công việc này”, ông Hải chia sẻ.
Chạy Grab không chỉ là một công việc, mà còn là nơi giúp ông học thêm nhiều kiến thức. Mỗi 6 tháng, ông Hải và các đồng nghiệp tham gia lớp học kỹ năng phục vụ khách hàng, các khóa học ngắn về sơ cấp cứu và tiếng Anh do ứng dụng này tổ chức.
Các khóa đào tạo định kỳ giúp ông có thêm kỹ năng về an toàn giao thông và cách xử lý các tình huống khẩn cấp khi phục vụ khách hàng. Ông chia sẻ thêm: “Khi chạy xe ở Việt Nam, nhất là ở thành phố đông đúc, phải có cái đầu lạnh, cẩn trọng. Xe cộ nhiều đòi hỏi mình phải tập trung. Cầm lái mà không cẩn thận thì nguy hiểm cho cả mình và khách hàng”.
Hạnh phúc của một bác tài
Suốt 8 năm làm tài xế Grab, bác tài U.70 tiếp xúc với đa dạng khách hàng, từ bác sĩ, kỹ sư đến người lao động và cả những bà mẹ bầu đi khám bệnh. Chính những cuộc trò chuyện trên xe đã giúp ông có thêm trải nghiệm thú vị và nguồn năng lượng tích cực. “Mỗi khách hàng là một câu chuyện, một thế giới riêng. Họ cho tôi thêm nhiều niềm vui và động lực trong công việc này”, ông chia sẻ với nụ cười hài lòng.
Dù đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn giữ được sự yêu nghề và thái độ tích cực trong cuộc sống. Chính tình yêu đối với công việc đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Mỗi cuốc xe là một chuyến hành trình đầy ý nghĩa, là những mẩu chuyện đáng nhớ để chia sẻ và học hỏi.
10 năm Grab hoạt động tại Việt Nam, ông đã gắn bó đến 8 năm. Tâm sự với chúng tôi, bác tài U.70 chia sẻ: “Tôi chưa từng nghĩ sẽ thay đổi công việc này. Chỉ cần sức khỏe còn cho phép, tôi vẫn sẽ chạy Grab, vẫn sẽ cống hiến và vẫn sẽ hạnh phúc vì có thể giúp đỡ con cái và gia đình. 8 năm rồi, nhưng tôi chưa bao giờ thấy chán với công việc này”.
Bình luận (0)