Thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Khó nhưng vẫn chọn, vì sao?

02/11/2024 12:33 GMT+7

Đề tham khảo tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được đánh giá là dài và khó, nhất là khi phải hoàn thành trong 50 phút. Tuy nhiên, theo thống kê của một số trường, tỷ lệ học sinh chọn tiếng Anh làm môn thi tốt nghiệp vẫn áp đảo, vì sao?

Đề tiếng Anh tập trung vào kỹ năng đọc hiểu, gồm 40 câu hỏi với những thay đổi như lược bỏ các câu hỏi trọng âm, sửa lỗi sai… và xuất hiện các dạng bài mới như đặt câu vào đúng vị trí, sắp xếp trật tự các câu trong đoạn văn.

Thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Khó nhưng vẫn chọn, vì sao?- Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM sau giờ làm bài thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Có lợi thế nhờ học IELTS

Làm thử đề tham khảo, Điêu Hoàng Cát Tiên, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM), nhận xét đề khá dài với 5 đoạn văn và độ khó tăng dần, trong khi thời gian chỉ 50 phút. "Em vẫn chọn tiếng Anh trong tổ hợp thi vì đã có kinh nghiệm ôn luyện IELTS", nữ sinh chia sẻ.

Theo Cát Tiên, đề tập trung vào đọc hiểu và từ vựng, 2 đoạn văn cuối yêu cầu tìm từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, ý nghĩa đoạn văn… tương tự phần thi đọc của IELTS. Áp dụng kỹ năng đọc lướt, đọc quét và diễn đạt lại từ IELTS, Tiên phân tích đề và tìm đáp án tốt hơn.

Học cùng trường, Đồng Minh Khánh cũng chọn tiếng Anh trong tổ hợp thi tốt nghiệp vì có định hướng du học. Nam sinh cho biết, việc học IELTS và SAT không chỉ phục vụ xét tuyển du học mà còn giúp em ôn luyện hiệu quả cho kỳ thi tốt nghiệp.

"Với đề tham khảo, em áp dụng kỹ năng đọc chọn lọc từ IELTS và cách tìm dẫn chứng của phần đọc SAT để điền câu vào chỗ trống. Nhờ luyện thi 2 chứng chỉ này, em tự tin hơn với vốn từ vựng của mình, đặc biệt khi đề tham khảo năm nay có nhiều từ nâng cao", Minh Khánh nói thêm.

Lê Uyễn Nhi, học sinh lớp 12 văn, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang), cũng có lợi thế với môn này nhờ việc luyện IELTS. Nữ sinh cho hay, bạn tích lũy từ vựng qua các bài đọc IELTS và đọc thêm các đoạn văn tiếng Anh trên mạng xã hội để tăng phản xạ đọc hiểu.

Thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Khó nhưng vẫn chọn, vì sao?- Ảnh 2.

Thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Khó nhưng vẫn chọn, vì sao?- Ảnh 3.

Thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Khó nhưng vẫn chọn, vì sao?- Ảnh 4.

Thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Khó nhưng vẫn chọn, vì sao?- Ảnh 5.

Đề tham khảo tiếng Anh chú trọng kỹ năng đọc hiểu và vốn từ vựng của học sinh

NGUỒN: BỘ GD-ĐT

Thầy L.H., giáo viên tiếng Anh tại một trường THPT ở Q.3, nhận xét rằng dù đầu ra Chương trình GDPT 2018 chỉ yêu cầu bậc 3 (B1), từ vựng và độ dài của các bài đọc trong đề tham khảo lại đạt bậc 4-5, thậm chí bậc 6 ở một số đoạn. "Những bạn học qua IELTS sẽ có lợi thế vì đã tiếp xúc với từ vựng ở mức B1-B2, tương đương bậc 4-5", thầy H. cho biết.

Dự đoán phổ điểm tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, nam giáo viên cho rằng điểm có thể giảm so với năm trước do học sinh chưa quen dạng đề mới và kỹ năng đọc hiểu của nhiều em chưa vững. "Tuy nhiên, mức giảm sẽ không đáng kể vì những em chọn thi tiếng Anh đã cân nhắc kỹ về năng lực của mình", thầy H. thông tin.

Chọn tiếng Anh vì "quen thuộc, dễ hơn các môn khác"

Uyễn Nhi chọn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh vì quen thuộc với môn này. "Từ năm lớp 10, em đã xác định trọng tâm là các môn của tổ hợp D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh) để xét tuyển vào ngành mong muốn. Vì vậy, dù đề minh họa khó nhưng em không thay đổi lựa chọn", nữ sinh bộc bạch.

Thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Khó nhưng vẫn chọn, vì sao?- Ảnh 6.

Học sinh TP.HCM thi xong môn tiếng Anh trong một kỳ thi vào lớp 10

ẢNH: NGỌC LONG

Còn Nguyễn Ngọc Duy Khang, học sinh lớp 12, Trường THPT Kiên Lương (Kiên Giang) chọn thi tiếng Anh vì dễ đạt kết quả cao hơn. "Em dự định xét tuyển ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu bằng tổ hợp A01 (toán, lý, tiếng Anh). Ngành này cũng có xét tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) nhưng em cảm thấy đề hóa khó đạt điểm cao như đề tiếng Anh", nam sinh chia sẻ.

Thầy Lê Văn Thương, tổ trưởng tổ Ngoại ngữ Trường THPT Kiên Lương, cho biết vẫn còn một bộ phận học sinh chọn tiếng Anh vì không biết phải chọn môn nào khác. "Các em không chọn các môn khoa học xã hội vì phải ghi nhớ nhiều kiến thức. Trong khi đó, với môn tiếng Anh các em đã tích lũy kiến thức từ trước đó, nên việc lựa chọn là hiển nhiên", thầy Thương thông tin.

Về chiến lược ôn tập, thầy Thương chia sẻ trường tập trung đảm bảo cung cấp đủ kiến thức cho học sinh, không bỏ qua nội dung nào trong chương trình. Sau đó, đến học kỳ 2, các em sẽ được cho luyện đề làm quen và thích nghi với yêu cầu đề thi. Cũng theo thầy Thương, mặc dù bộ sách tiếng Anh được chọn dạy và học tại trường là Global Success, song thầy và các giáo viên cũng tham khảo 8 bộ sách còn lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để bổ sung kiến thức cho học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.