Bài dự thi: Ba tôi

20/12/2013 06:00 GMT+7

“Ba ơi!” - đó là hai từ mà tôi đã không còn thốt ra từ 6 năm nay nữa. Ba tôi đã ra đi về nơi chỉ có gió thổi vi vu suốt bốn mùa do căn bệnh ung thư dạ dày quái ác. Ngày đó, ba là lao động chính trong nhà. Ba với mẹ canh tác gần 1 mẫu đất bao gồm tiêu, điều và một số loại cây ngắn ngày khác để nuôi sống cả gia đình với 7 chị em đông đúc. Rẫy cách xa nhà hơn chục cây số nhưng bất kể nắng mưa, ba mẹ đều đi làm trên chiếc xe đạp cọc cạch để lo cho chị em tôi được ăn học đầy đủ.

 Bài dự thi: Ba tôi
Ba, mẹ tôi - Ảnh: L.T.N.H

Vào năm tôi 20 tuổi, có lẽ do quá lao lực với công việc đồng áng, trong khi ăn uống chẳng có gì tẩm bổ vì bao nhiêu thức ngon ba đều nhường cho chúng tôi, ba đã ngã bệnh. Ban đầu chỉ là những cơn đau ở phần bụng nên ba chỉ tự mua thuốc uống ngoài tiệm. Cho đến khi cơn đau xuất hiện với tần suất nhiều hơn thì ba và cả nhà bắt đầu lo lắng nhưng cũng chỉ đi bác sĩ ở quê với chẩn đoán bên ngoài. Cho đến một ngày ba ngất xỉu trên rẫy khi đang thu hoạch bắp thì mới bắt đầu đến bệnh viện của huyện, bác sĩ cũng chỉ chẩn đoán đau dạ dày và cho thuốc uống trị bệnh. Năm tháng sau, bệnh trở lại với biểu hiện nặng hơn. Lúc đó mẹ và chị em tôi quyết định cho ba lên thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận ba tôi bị chứng loét dạ dày và phải cắt bỏ 1/3 mới có hy vọng khỏi bệnh.

Những ngày ba nằm viện, mẹ phải bỏ công việc đồng áng để chăm ba. Chị em chúng tôi chỉ thỉnh thoảng ghé thăm và động viên ba mẹ. Chính nơi bệnh viện này, với những lo toan về bệnh tình, gia đình chúng tôi mới cảm nhận được câu “lương y như từ mẫu” từ cách chữa trị của tập thể y bác sĩ. Gia đình chúng tôi nghèo nên việc lo lót phong bì cho bác sĩ là điều gần như không thể, nhưng họ không quan tâm đến điều đó, vẫn niềm nở và làm tròn công việc của mình.

Sau 10 ngày, ba tôi được xuất viện với một cơ thể hồng hào và khỏe mạnh hơn. Ba tôi vui như một đứa trẻ vì sắp được trở về nhà. Có lẽ mẹ là người vui nhất, mẹ cười nói không ngừng. Mọi giấy tờ để xuất viện đã được chuẩn bị xong thì mẹ được mời lên phòng bác sĩ để nói chuyện. Sau 15 phút quay lại, tôi thấy mặt mẹ bỗng dưng biến sắc tái nhợt. Tôi kéo mẹ ra một góc hành lang hỏi chuyện thì mẹ bỗng nức nở, từng dòng nước mắt thi nhau chảy dài mà không cách gì ngăn lại được. Bác sĩ nói với mẹ: “Tuy dạ dày đã được cắt bỏ phần bị loét nhưng tế bào ung thư cũng đã xâm chiếm hết dạ dày của ba mà khi mổ họ mới phát hiện”. Hai mẹ con quỵ xuống ôm nhau khóc ngất, đau lòng biết bao nhiêu. Bác sĩ chỉ thông báo cho mẹ biết và dặn mẹ giấu ba để ông được sống những ngày còn lại vui vẻ. Tôi cũng thầm cảm ơn bác sĩ vì họ vẫn động viên và nói những lời lạc quan khi trò chuyện với ba, nhìn thái độ của họ, ba cũng yên lòng.

Nhờ tình yêu của mẹ, ba sống khỏe được gần 1 năm, trái với lời tiên đoán không quá 6 tháng của bác sĩ. Qua một năm sức khỏe của ba lại giảm sút một cách tồi tệ. Lúc này, ba cũng cảm nhận được bệnh của mình và từ chối điều trị bằng hóa chất. Một tuần sau lần cuối ở bệnh viện về, chỉ sau một đêm sốt cao, người ba teo lại đến không nhận ra, thậm chí mẹ phải bế ba đi vệ sinh như một đứa trẻ, mẹ nhẫn nại với tình yêu của một người vợ khiến tất cả chị em chúng tôi lặng người. Vậy là ba đã ra đi. Ba mang theo cả trời thương nhớ cho những người ở lại. Sau khi đưa ba về nơi an nghỉ cuối cùng, mẹ tôi gọi điện báo tin và cảm ơn bác sĩ mặc dù lực bất tòng tâm. Nhưng sự quan tâm của họ cũng khiến cho gia đình tôi ấm lòng trước mất mát quá lớn.

 

Nhằm khuyến khích mọi người tỏ lòng tri ân đến các y, bác sĩ đã chăm sóc và giúp bạn, người thân vượt qua bệnh tật, Bệnh viện FV tổ chức chương trình chia sẻ mang tên “Câu chuyện của bạn” từ 7.10.2013 đến 29.12.2013 với tổng giá trị giải thưởng 47 triệu đồng. Bài viết tham gia bằng tiếng Việt, từ 500 - 1.500 chữ, gửi về website: http://viban.fvhospital.com hoặc email:cauchuyencuaban@fvhospital.com. Thông tin thêm vui lòng truy cập http://viban.fvhospital.com hoặc đường dây nóng: 0949646349.


Lưu Thị Ngọc Hạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.