Bài giảng đại chúng của các chuyên gia hàng đầu về góc nhìn khoa học mở

17/05/2023 13:52 GMT+7

'Khoa học mở dưới các góc nhìn' sẽ là chủ đề của hội thảo được tổ chức nhân Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam (18.5).

Với chủ đề "Khoa học mở dưới các góc nhìn", các chuyên gia hàng đầu chia sẻ những bài giảng đại chúng về các chủ đề liên quan đến khoa học mở tại Hội trường Hoàng Tụy, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Hội thảo diễn ra từ 9-12 giờ sáng 18.5 và đây là sự kiện do Trung tâm Quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học (ICRTM), Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), phối hợp với Trung tâm Vật lý quốc tế (ICP), Trung tâm Thông tin-Tư liệu Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức.

Khoa học mở dưới các góc nhìn - Ảnh 1.

Phiên họp toàn thể của UNESCO tại thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 9-24.11.2011 đã đưa ra "Khuyến nghị về khoa học mở" và được 193 quốc gia trên thế giới công nhận là định nghĩa đầu tiên mang tính toàn cầu về khoa học mở.

UNESCO

  • Bài giảng 1: GS-TSKH Hồ Tú Bảo, chuyên nghiên cứu và giảng dạy về trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ trình bày về "Dữ liệu khoa học mở". GS Hồ Tú Bảo là chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về AI, từng làm việc tại Viện Công nghệ thông tin, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản. Ông tham gia nhiều sự kiện và hoạt động khoa học quốc tế và là một trong những nhà khoa học đầu ngành, đang công tác tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán.
  • Bài giảng 2: GS-TS Nguyễn Thế Toàn sẽ trình bày chủ đề "Vật lý trong sinh học tiến hóa". GS Toàn có thành tích nghiên cứu rất thành công khi đã xuất bản hơn 30 bài báo chuyên ngành trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới như: Nature, Physical Review Letter, Review of Modern Physics, ba cuốn sách viết chung ở các nhà xuất bản nổi tiếng Princeton University Press, Oxford University Press, và Wiley. Hiện ông là trưởng khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong bài giảng đại chúng này, GS sẽ trình bày chuyên sâu về việc ứng dụng tư duy, các phương pháp vật lý để nghiên cứu về ngành sinh học tiến hóa.
  • Bài giảng 3: Chuyên gia Nguyễn Võ Hưng sẽ chia sẻ về các khía cạnh liên quan đến chính sách cho một nền khoa học mở phát triển tại Việt Nam. Ông Hưng là nghiên cứu viên chính tại Viện Chiến lược và chính sách khoa học công nghệ, thuộc Học viện Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, có bằng thạc sĩ kinh tế tại ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1993 và ĐH Lancaster, Anh vào năm 1997. Ông từng tham dự phiên họp chuyên gia liên chính phủ về góp ý xây dựng Dự thảo Khuyến nghị khoa học mở của UNESCO.

Trong phần tọa đàm của hội thảo, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau sẽ mang đến cho người nghe những quan điểm mới và đầy thú vị về một xu hướng, dù đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, nhưng hứa hẹn sẽ mở ra một thời đại mới về khoa học công nghệ.

Phần tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: GS-TSKH. Hồ Tú Bảo, GS-TS Nguyễn Thế Toàn, chuyên gia Nguyễn Võ Hưng, PGS-TSKH Phan Thị Hà Dương, TS Nguyễn Nhật Quang, chuyên gia Nguyễn Trọng Khánh.

Hội thảo được tổ chức nhân ngày Khoa học công nghệ Việt Nam 18.5, hưởng ứng tinh thần của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) nhằm lan tỏa nhận thức về khoa học mở (open science) trong cộng đồng,

Phiên họp toàn thể của UNESCO tại thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 9-24.11.2011 đã đưa ra "Khuyến nghị về khoa học mở" và được 193 quốc gia trên thế giới công nhận là định nghĩa đầu tiên mang tính toàn cầu về khoa học mở.

Theo đó, khoa học mở được định nghĩa là một kiến trúc tổng thể bao gồm những sự dịch chuyển và thực thi có mục đích làm cho tất cả tri thức khoa học đa ngôn ngữ trở thành có thể tự do truy cập, sử dụng và tái sử dụng bởi mọi người, nhằm nâng cao sự hợp tác và chia sẻ thông tin vì lợi ích của khoa học, cộng đồng, và mở ra các quy trình kiến tạo, đánh giá và truyền thông tri thức khoa học tới đa dạng các nhóm xã hội.

Theo UNESCO, có nhiều tiêu chí chính để hình thành nên một nền khoa học mở bao gồm: dữ liệu mở, hệ thống xuất bản mở, hạ tầng khoa học mở, nguồn lực giáo dục mở, phần cứng mở, phần mềm mã nguồn mở, tính mở đối với đa dạng hóa kiến thức, đánh giá mở và sự tiếp cận mở của các nhóm xã hội. UNESCO là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên ủng hộ xu hướng phát triển mới này, vì một cộng đồng bình đẳng trong việc tiếp cận các tri thức khoa học.

Việt Nam đã có những bước đầu quan tâm đến Khuyến nghị này, khi Bộ Khoa học và công nghệ đã tổ chức Hội thảo "Khoa học mở-Khuyến nghị của UNESCO: Cơ hội và thách thức với Việt Nam" vào ngày 20.10.2021. Đây là khái niệm mới và sẽ cần nhiều thời gian để cộng đồng khoa học nói riêng và xã hội nói chung hiểu hơn về các xu thế trên thế giới và tìm ra các quy chế hợp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.