Công cụ hỗ trợ nhà khoa học Việt Nam ra quyết định trong nghiên cứu

Quý Hiên
Quý Hiên
26/04/2023 18:04 GMT+7

Hàn Quốc giúp Việt Nam phát triển, sử dụng Hệ thống COMPAS phiên bản Việt Nam, nhằm hỗ trợ nhà khoa học quá trình ra quyết định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Hôm nay 26.4, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam (KH-CN Việt Nam) tổ chức lớp học quốc tế về việc nâng cao năng lực hoạch định chiến lược nghiên cứu và phát triển với Hệ thống V-COMPAS. Nội dung lớp học tập trung vào hoạt động đào tạo, hướng dẫn nhà khoa học cách thức vận hành và khai thác sử dụng V-COMPAS.

Công cụ hỗ trợ nhà khoa học Việt Nam ra quyết định về việc nghiên cứu - Ảnh 1.

TS Hyuck Jai Lee, Giám đốc Dự án V-COMPAS, giới thiệu về Hệ thống COMPAS phiên bản Việt Nam

QUÝ HIÊN

COMPAS là hệ thống phân tích năng lực cạnh tranh công nghệ, hỗ trợ quá trình ra quyết định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển của nhà nghiên cứu. Hệ thống phát hiện và phân tích hoạt động công nghệ toàn cầu dựa theo nguồn thông tin đầu vào như bài báo khoa học, nền tảng dữ liệu bằng sáng chế.

Không thay các nhà nghiên cứu làm việc

Theo TS Hyuck Jai Lee, Giám đốc Dự án V-COMPAS, COMPAS là một công cụ trực tuyến, được thiết kế thân thiện, không chỉ phục vụ nhà nghiên cứu mà những người dân bình thường có nhu cầu cũng có thể sử dụng được.

COMPAS không chỉ cung cấp các mô hình dữ liệu mà còn đưa ra những phân tích, đề xuất báo cáo... "Nhưng COMPAS không thay các nhà nghiên cứu làm việc, hoặc thay nhà nghiên cứu đưa ra quyết định. Nó củng cố căn cứ giúp nhà khoa học đưa ra quyết định tốt nhất", TS Hyuck Jai Lee nói.

Công cụ hỗ trợ nhà khoa học Việt Nam ra quyết định về việc nghiên cứu - Ảnh 2.

Giao diện Hệ thống COMPAS phiên bản Việt Nam

VÂN NGA

Để các nhà khoa học mường tượng dễ hơn hiệu quả của hệ thống COMPAS, TS Lee nêu ví dụ: Khi có ai đó muốn nghiên cứu phát triển về một công nghệ trong lĩnh vực pin mặt trời thì họ sẽ phải trả lời được hàng loạt câu hỏi: những ai có cùng mối quan tâm tương tự? Họ đang làm những gì? Đâu là công nghệ lõi của lĩnh vực mà bạn quan tâm? Ta có thể phát triển công nghệ của mình như thế nào? Liệu thị trường có còn cơ hội cho chúng ta giới thiệu kỹ thuật mới? Kỹ thuật mà chúng ta định đưa ra liệu có thể thu hút sự chú ý như thế nào trong thị trường?...

"COMPAS giúp bạn trả lời các câu hỏi này một cách nhanh chóng. Ví dụ, với câu hỏi đầu tiên, bạn sẽ có câu trả lời trong khoảng 1 phút. Khi bạn tiết kiệm được thời gian thì đồng thời tiết kiệm được chi phí", TS Lee nói.

Cũng theo TS Lee, COMPAS được Viện Thông tin KH-CN Hàn Quốc (KISTI) xây dựng và đưa vào sử dụng tại Hàn Quốc từ tháng 9.2013. Đến nay, COMPAS đã có hơn 6.000 người dùng. Trong đó, hơn 50% là các nhà nghiên cứu và phát triển đến từ khu vực doanh nghiệp, phần còn lại chủ yếu là những nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu (cả hàn lâm và ứng dụng).

Hỗ trợ việc xác định ngành công nghệ ưu tiên

Theo ông Đào Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Thông tin KH-CN quốc gia (Bộ KH-CN), V-COMPAS là sản phẩm hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Hai nước vốn có truyền thống hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu. Nhưng giai đoạn trước đây hoạt động hợp tác chủ yếu là trao đổi chuyên gia, chia sẻ và cập nhật thông tin trong lĩnh vực KH-CN của hai nước.

Thời gian gần đây, hai bên xúc tiến mạnh mẽ hơn một số hoạt động, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống thông tin KH-CN quốc gia để phục vụ các hoạt động của các nhà nghiên cứu tại các viện, các trường ĐH. Một trong những thành công của hợp tác quốc tế này là xây dựng, chuyển giao, vận hành và khai thác sử dụng V-COMPAS.

Công cụ hỗ trợ nhà khoa học Việt Nam ra quyết định về việc nghiên cứu - Ảnh 3.

Các nhà khoa học tại lớp học

VÂN NGA

GS Lê Trường Giang, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, cho biết để thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án từ chuyên ngành sâu đến đa ngành, đa lĩnh vực, nhu cầu tiếp cận các nguồn thông tin dữ liệu của các nhà khoa học là rất lớn.

Không chỉ là dữ liệu ở quy mô viện hàn lâm mà còn ở quy mô liên vùng, quốc gia, cũng như những vấn đề KH-CN quốc tế.

Việc trang bị những công cụ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và quản lý công nghệ giúp các nhà khoa học tìm kiếm, tra cứu và hỗ trợ phân tích thông tin, tìm ra các công nghệ mới, bắt kịp xu hướng công nghệ của thế giới là hết sức cần thiết.

Đồng thời, các nhà quản lý KH-CN cần có các công cụ để đánh giá công nghệ, giúp cho việc đầu tư đúng hướng với các ngành công nghệ ưu tiên. Hệ thống COMPAS chính là công cụ phù hợp cho nhu cầu này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.