Để các nhà khoa học yên tâm làm khoa học, không quá lo hóa đơn chứng từ

Quý Hiên
Quý Hiên
28/12/2022 21:27 GMT+7

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam , một nhiệm vụ khoa học mà Bộ KH-CN cần xem là “trọng điểm quốc gia”, là làm sao cho các nhà khoa học yên tâm làm khoa học, không phải lo hóa đơn chứng từ quá nhiều.

Chiều nay 28.12, Bộ KH-CN tổ chức tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, một nhiệm vụ Bộ KH-CN cần xem là “trọng điểm quốc gia”, là làm sao cho các nhà khoa học yên tâm làm khoa học, không phải lo hóa đơn chứng từ quá nhiều

Mai Mai

3 chỉ số chững lại

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, năm 2022, cả nước hoàn thành 13/15 chỉ tiêu (2 chỉ tiêu còn lại là về tăng năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị công nghiệp). Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ước đạt khoảng 8%. Những kết quả tốt của năm 2022 có phần đóng góp quan trọng của giới khoa học, không chỉ là nghiên cứu và giảng dạy, mà còn phổ biến tri thức khoa học công nghệ.

“Vui rồi, nhưng cũng phải nhắc nhau. Bắt đầu cả nước bước vào chống dịch từ năm 2020 thì dường như mọi thứ đều bị chững lại. Các ngành trực tiếp liên quan chống dịch thì không nói làm gì, nhưng các nhà khoa học của mình, bao gồm các nhà khoa học nghiên cứu trong các trường đại học, cũng bị ảnh hưởng. Báo cáo của chúng ta năm ngoái chưa nói, năm nay cũng chưa nói”, ông Đam nhận định.

Sau đó, ông Đam nêu 3 chỉ số có biểu hiện của “sự chững lại”. Rõ nhất là chỉ số GII (đổi mới sáng tạo toàn cầu). Từ năm 2012 đến 2019 chúng ta tăng về vị trí rất tốt, từ 76 lên 42. Năm 2020 vẫn giữ được 42, nhưng năm 2021 xuống 44, và năm 2022 tụt xuống 48.

Thứ 2 là về số lượng bài báo khoa học công bố quốc tế. “Tôi cũng đồng tình với quan điểm cho rằng đây không phải là số đo duy nhất (trong đánh giá khoa học - PV) nhưng dù sao đây cũng là số đo rất quan trọng. Từ 2012 trở đi mình tăng rất đều, đang lèo tèo có mấy nghìn thôi, mình hô lên thì 2019 lên 12.600 bài công bố trên các tạp chí Scopus. Năm 2020 lên được hơn 18.000 bài, năm 2021 cũng cỡ đó. Năm nay con số mới nhất anh em nói với tôi là 17.269 bài”, Phó thủ tướng cho biết.

Chỉ số thứ 3 là chi cho KH-CN. Một mục tiêu luôn được hướng tới là chi 2% cho KH-CN trong tổng chi ngân sách, nhưng mà không bao giờ đạt. Ngay cả con số tuyệt đối cũng cứ giảm dần. Từ năm 2015 đến 2019 là tăng dần qua từng năm, từ 9.790 tỉ đồng đến 12.825 tỉ đồng. Nhưng năm 2020 thì chững lại, 12.800 tỉ đồng, năm 2021 chỉ là 10.838 tỉ đồng, năm 2022 quay được về con số 12.300 tỉ đồng.

“3 chỉ số trong nhiều chỉ số tôi nêu ra cho thấy ngành KH-CN chững lại (trong bối cảnh chung) 3 năm. Điều này chúng ta phải nhìn nhận là không bình thường. Không bình thường một chút nào! Vì trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng nói rằng chúng ta phải tăng cường đổi mới KH-CN, đổi mới sáng tạo! Thôi thì giờ cứ đổ cho là tại Covid-19. Mất hơn 2 năm, gần 3 năm, giờ phải lấy lại”, Phó thủ tướng chia sẻ.

Nhiệm vụ “đặc biệt”

Tiếp đó, Phó thủ tướng nêu một số nhiệm vụ cơ bản Bộ KH-CN cần tiếp tục đẩy mạnh, nỗ lực hơn nữa trong năm 2023 và những năm tiếp theo để KH-CN thực sự trở thành động lực phát triển.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KH-CN

Mai Mai

Với phần phát biểu này, ngay câu đầu tiên, Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Một trong những nhiệm vụ khoa học đặc biệt (coi nó là trọng điểm quốc gia cũng được), đấy là nghiên cứu để hình thành một hệ thống văn bản pháp lý thật sự đi vào hiệu lực, để làm sao cho các nhà khoa học yên tâm làm khoa học, không phải lo hóa đơn chứng từ quá nhiều”.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đây là nhiệm vụ mà năm trước ông cũng đã đề cập ở một hội nghị của Bộ KH-CN, lãnh đạo Bộ KH-CN cũng đã hứa là sẽ giao ngay nhiệm vụ này và sẽ nghiệm thu nhanh.

Phó thủ tướng cho hay, trước khi ông đến dự hội nghị tổng kết này, một loạt nhà khoa học đã nhắn tin, bày tỏ mong muốn ông nhắc lại điều ông đã nói nhiều năm rồi, để làm sao mong ước của các nhà khoa học thành hiện thực. Mong ước đó là lượng giấy tờ báo cáo kết quả khoa học dày hơn lượng giấy tờ hóa đơn chứng từ.

Phó thủ tướng chỉ đạo, đây là một vấn đề của cả hệ thống, nhưng vì lợi ích trực tiếp của nền KH-CN nên Bộ KH-CN phải bắt tay vào làm trực tiếp. Phải tiếp cận vấn đề theo cách nghiên cứu luật và các quy định, đối sánh với cách làm của các nước, rồi “bê” sản phẩm nghiên cứu đó tới các bộ, đầu tiên là Bộ Tài chính.

Cái được của việc này lớn hơn cả việc “giải phóng” các nhà khoa học khỏi các thủ tục hành chính. Chẳng hạn, giới khoa học vẫn mong mỏi tăng chi đầu tư cho KH-CN lên 2% GDP (hiện tại, theo con số Bộ KH-CN tạm tính là 0,4%). Nhưng khó đòi hỏi ngân sách nhà nước tăng đầu tư cho KH-CN được, mà cần phải kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp.

“Muốn doanh nghiệp đầu tư vào KH-CN thì phải sửa toàn bộ hệ thống. Chưa nói đến thuế, ít nhất cũng phải là hệ thống liên quan tới hạch toán doanh nghiệp, cơ chế hạch toán doanh nghiệp. Nếu người ta đầu tư vào nghiên cứu, vào đề tài khoa học, vào văn hóa… thì không tính thuế, ví dụ thế. Nếu chúng ta để cho Bộ Tài chính thì không bao giờ ông Bộ Tài chính nghiên cứu cái này, mà phải là chính chúng ta nghiên cứu lấy”, Phó thủ tướng chia sẻ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ KH-CN cần đẩy mạnh việc minh bạch hóa hệ thống thông tin quản lý khoa học công nghệ. Làm sao tất cả được minh bạch, từ việc giao đề tài, đặc biệt là việc công khai ý kiến phản biện. “Trước đây phản biện qua quýt nên chất lượng cũng kém. Giờ minh bạch các phản biện lên, ông nào dám phản biện qua quýt nữa!”, ông Đam nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.