Bài học từ CLB Đồng Tháp: Bóng đá sống bằng ngân sách còn phù hợp?

11/02/2021 11:40 GMT+7

Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đồng Tháp đang muốn UBND tỉnh Đồng Tháp cho chủ trương về việc bàn giao lại câu lạc bộ Đồng Tháp cho ngành thể thao, để thi đấu tại giải hạng nhì 2021.

CLB Đồng Tháp hiện tại đang được quản lý bởi Công ty cổ phần phát triển bóng đá Đồng Tháp (DFC). Chắc chắn những người làm bóng đá địa phương không thể quên câu chuyện cách đây gần 7 năm. Cuối năm 2014, đội Đồng Tháp - khi đó vẫn mang tên Cao su Đồng Tháp - đã đi đến quyết định giải thể đội bóng. Đội bóng khi đó được quản lý bởi Công ty TNHH bóng đá Đồng Tháp, nhưng thực chất về cơ chế hoạt động, ngân sách vẫn phụ thuộc vào Nhà nước.

Bài học từ quá khứ 

Sau khi mô hình làm bóng đá bằng Ngân sách Nhà nước không còn phù hợp, bóng đá Đồng Tháp đã có bước chuyển mình với sự ra đời của DFC vào đầu năm 2015. Với tư tưởng và hành động cấp tiến, DFC đã thay đổi toàn diện đội bóng từ việc thay đổi logo đội bóng, tối ưu hóa các nguồn thu, hoàn thiện cấu trúc vận hành…
Đồng Tháp tại V-League 2015 là “hình mẫu” kiếm tiền của V-League. Với tư cách tân binh, DFC đã khéo léo hoạt động với khoản ngân sách chừng 24,5 tỉ đồng từ các cổ đông đóng góp. Mỗi trận đấu tại sân nhà Cao Lãnh, đội thu về chừng 100 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi chừng 60 triệu đồng/trận.

CLB Đồng Tháp đang nuôi hy vọng sớm trở lại sân chơi lớn nhất nước

Duyên Ngọc

Theo thống kê, Đồng Tháp năm đó đã thu về khoảng 13,5 tỉ đồng nhờ doanh thu bán vé cả mùa (1,5 tỉ đồng) cùng 12 tỷ đồng tiền biển quảng cáo, nguồn thu từ các nhà tài trợ, bán đồ lưu niệm, áo đấu... Mỗi trận đấu trên sân nhà xứng đáng là một ngày hội khi các khán đài rực một màu vàng, các shop bán đồ lưu niệm, các khu trò chơi có thưởng… được tổ chức đa dạng. Ngoài ra, Đồng Tháp cũng sớm cho ra đời Fanpage, trang chủ để chia sẻ những thông tin, hình ảnh của đội bóng, giúp người hâm mộ dễ dàng tương tác…
Những bước đi tiên phong của Đồng Tháp đã tạo nên luồng sinh khí mới tại V-League. Thậm chí một số đội đã học hỏi việc kiếm tiền của đội bóng xứ sen hồng. Nói cách khác, với DFC – đội bóng Đồng Tháp đã tìm ra một mô hình đúng đắn, phù hợp để có thể “sống” được trong vòng xoáy khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp.

Vẫn nên để cho doanh nghiệp quản lý

Việc Đồng Tháp rơi xuống hạng nhì là nỗi đau của lãnh đạo đội bóng cũng như người hâm mộ bóng đá nơi đây. Tuy nhiên, nếu trả đội về cho Nhà nước quản lý là bước lùi của bóng đá chuyên nghiệp. Hẳn mọi người không thể quê vụ việc đáng tiếc của các cầu thủ U.21 Đồng Tháp dính đến tiêu cực năm 2020, trong thời gian các cầu thủ được trả về ngành thể thao tỉnh, để thi đấu vòng loại U.21 Quốc gia 2020. Điều quan trọng nhất là sự phối hợp ăn ý giữa Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đồng Tháp với DFC để cùng nhau đưa đội qua giai đoạn khó khăn.
Hoạt động của đội vốn không thể tách rời với địa phương như việc thuê sân bãi, nguồn lực cầu thủ từ các tuyến trẻ, cơ chế để phối hợp với các sở, ban, ngành khác… Bóng đá chuyên nghiệp vốn thường có chuyện các doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người” vì không nuôi nỗi đội bóng, hoặc không được đáp ứng về cơ chế làm ăn, hạ tầng.
Hẳn những có trách nhiệm của bóng đá địa phương không thể quên những tấm gương của Kiên Giang, Navibank Sài Gòn hay V.Ninh Bình - những đội từng thi đấu ở V.League nhưng sau đó “bỏ ngang”, để lại rất nhiều hệ luỵ không hay.
So với các đội bóng trên, nền tảng của bóng đá Đồng Tháp tốt hơn hẳn bởi đây là địa phương có truyền thống, thành tích và có hệ thống đào tạo trẻ rất tốt. Đó là tiền đề để DFC cùng địa phương nỗ lực để đưa đội sớm trở lại với sân chơi đỉnh cao của bóng đá Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.