Singapore đã tổ chức rất thành công SEA Games 28. Đoàn Việt Nam xếp hạng 3/11 nước, sau Thái Lan và Singapore. Nhìn toàn cục một cách công bằng, ở đấu trường thể thao SEA Games, Việt Nam chỉ xếp sau người Thái. Sau những ngày thi đấu sôi nổi, dõi theo từng nỗ lực của các vận động viên; có thể rút ra nhiều bài học bổ ích, không chỉ cho thể thao mà cả cuộc sống.
Cổ động viên Việt Nam cổ vũ nhiệt tình cho đội bóng chuyền nữ - Ảnh: Hoàng Quỳnh
|
Xin đừng đổ lỗi cho trời
Bóng đá nam được kỳ vọng sẽ đổi màu huy chương sau 56 năm mòn mỏi, tính từ đại hội lần thứ 1 tại Bangkok 1959, khi đội tuyển bóng đá Việt Nam Cộng Hòa đoạt huy chương vàng. Hơn nửa thế kỷ chờ đợi, nên khát khao càng cháy bỏng. Nhà nước và cả xã hội đã không tiếc tiền đầu tư. Từ ngày hội nhập ASEAN đến nay, bóng đá Việt Nam đang có dàn cần thủ mạnh nhất. Từ chiều cao, thể lực, kỹ thuật và cả tự tin. Tuy nhiên, ai cũng biết những thứ này chưa đủ để vô địch, dù là vùng trũng của bóng đá thế giới. Tôi cũng như nhiều người hâm mộ, mong muốn bóng đá Việt Nam vô địch bằng thực chất chứ không nhờ may rủi.
Bóng đá Thái Lan vẫn là vị trí số 1 ở ASEAN, chưa dễ gì bị soán ngôi trong dăm năm tới. Cầu thủ Việt Nam về kỹ thuật, thể lực có thể tranh chấp ngang ngửa với người Thái nhưng thua xa họ về tư duy chiến thuật, về tâm lý và cả tác phong chuyên nghiệp. Cầu thủ họ không khoe của, ít bị tai tiếng, sống chuẩn mực mà Kiatisak là điển hình. Phong độ đội tuyển Việt Nam như thời tiết Sài Gòn. Vừa thắng dòn dã Brunei và Malaysia với tỉ số quần vợt, liền vật vờ và suýt thua trước Lào. Vừa đè bẹp Đông Timor hừng hực liền tự thua lãng nhách Myanmar 2 – 1. Trận thua tức tưởi, làm rơi không ít nước mắt của cả cầu thủ lẫn người hâm mộ.
Lý giải về trận thua, đa số các huấn luyện viên và cả bình luận viên Việt Nam đều đổ cho trời, cho số phận. Có huấn luyện viên còn kết luận xanh rờn: “Trời đã muốn vậy thì đành chịu”. Bóng đá là môn thể thao đối kháng thắng – thua, chứ không phải là môn thể thao chấm điểm biểu diễn, mà cứ tự sướng kiểu “Ta chơi đẹp nhưng…” , cứ tư duy kiểu đó thì muôn đời bóng đá nói riêng, thể thao nói chung và cả kinh tế Việt Nam sẽ chẳng bao giờ đuổi kịp thiên hạ, chứ đừng nói qua mặt. Trong khi đó, HLV Mura phủ nhận việc may rủi, tự nhận trách nhiệm và khẳng định Việt Nam thua do dứt điểm kém. Các nước không có kiểu tư duy bóng đá may rủi như vậy. Lâu nay, người Việt chỉ đổ tội cho Trời những yếu kém, lỗi lầm và cả tội ác của mình về kinh tế, xây dựng, giao thông, môi trường, y tế…; giờ có thêm bóng đá và thể thao. Làm Trời ở Việt Nam cũng khổ, bị vu oan toàn tập.
Truyền thông – dư luận & tâm lý
Trong những thất bại của thể thao Việt Nam có nguyên nhân từ truyền thông và dư luận xã hội. Nhìn ra thiên hạ, chẳng nước nào như vậy. Các cầu thủ vừa nhú chút tài năng đã được thổi lên là thần đồng, so sánh với các danh thủ thế giới. Bàn thắng đẹp hoặc rất đẹp, quá đẹp là đủ nhưng cứ sính dùng từ kiệt tác, tuyệt tác. Bóng chuyền nữ vừa gây sốc ở giải nữ vô địch châu Á khi thắng (báo chí dùng từ "hạ gục") đương kim vô địch Nhật Bản và Iran nhưng vẫn thua Thái Lan ở SEA Games 28. Cả bóng bàn và cầu lông cũng vậy. Nội chuyện huấn luyện viên 2 độ bóng đá chung kết đều người bản địa, thậm chí Thái Lan chỉ cử huấn luyện viên phó vẫn thừa sức vô địch, là thấy mình thua họ. Việt Nam thuê bao nhiêu đời huấn luyện viên ngoại vẫn chưa đổi được màu huy chương.
Các bình luận viên và cả nhà báo cũng thích đại ngôn và hay đổ tội. Tôi rất khó chịu khi có nhà báo lão thành nói “Myanmar may mắn có thủ môn xuất sắc”. Sao lại may mắn? Có phải rút thăm hay xổ số đâu. Tất cả đều phải qua tuyển chọn và khổ luyện. Không có chuyện may rủi ở đây. Trước khi đá với Myanmar, thủ quân tuyển Việt Nam tuyên bố “Chưa bao giờ tôi thấy tự tin như hiện nay”. Tự tin là cần thiết, nhưng chả lẽ trước đó ít tự tin hơn? Câu nói có vẻ xem thường đối thủ nên chủ quan. Khi đụng thực tế muốn sửa sai thì không kịp vì tâm lý nôn nóng. Càng nôn nóng, càng thiếu chính xác. Các tiền đạo Việt Nam từ trước đến giờ vẫn vậy, đâu riêng gì Mạc Hồng Quân. Cứ trận nào bị coi thường là máu lửa và chiến thắng. Còn trận nào chắc thắng là chủ quan, thắng chật vật hoặc thất bại. Đá với Myanmar, người Thái cũng bị tâm lý nên cả hiệp 1 vẫn bế tắc. Sang hiệp 2, họ điều chỉnh và chiến thắng vẻ vang. Đẳng cấp là ở chỗ đó.
Xin các nhà báo và cả dư luận đừng làm hư cầu thủ và các vận động viên. Ánh Viên là hiện tượng lạ, giành tới 8 huy chương vàng và phá nhiều kỷ lục SEA Games. Lý giải hiện tượng này, có người bảo “Vì Ánh Viên không dùng internet, facebook, điện thoại và cả xe gắn máy. Em không đua đòi, bỏ ngoài tai mọi lời tâng bốc lẫn thị phí, thi đấu hồn nhiên và hết mình, chẳng bị sức ép tâm lý như nhiều vận động khác?”
Cứ khóc cho bóng đá nhưng…
Nhìn các tuyển thủ chơi bóng máu lửa khóc tức tưởi, cả khi lên bục nhận huy chương đồng, ai chẳng mủi lòng. Các cổ động viên xinh đẹp lặn lội đường xa, cổ vũ hết mình cho đội bóng, òa khóc khi kỳ vọng bị dập tắt cũng là điều dễ hiểu. Hình như chúng ta đang đặt mục tiêu quá cao? Cứ tiếp tục duy ý chí như trong chiến tranh, chỉ cần lòng dũng cảm và ý chí sắt đá là chiến thắng. Thể thao và kinh tế đều có nguyên tắc và chuẩn mực. Không thể “Đi tắt, đón đầu, đại nhảy vọt”. Cái gì cũng phải từng bước, như đi học vậy. Thay vì SEA Games nào cũng đặt mục tiêu huy chương vàng bóng đá nam thì hãy làm căn cơ từng bước. Năm nay huy chương đồng, 2017 sẽ là bạc và 2019 phải có vàng thì may ra. Khi đó cầu thủ sẽ đá thoải mái, thậm chí cố làm tốt hơn để chứng minh.
Cũng cần chấm dứt kiểu thay huấn luyện viên xoèn xoẹt. Đã tin thì tin cho trót. Chế tạo máy móc cũng có trình tự nữa là đào tạo con người. Xin đừng tâng bốc đó, rồi ném đá đó như những kẻ đãi bôi, không có trước có sau. Thua Myanmar mà lại hay, nếu thắng sẽ có ăn mừng, đua xe, tai nạn và chết người. Thua để trở lại mặt đất và nhìn rõ mình hơn. Cũng đừng phê phán các bạn khóc vì bóng đá. Con người biết khóc trước khi biết cười mà. Tuy nhiên, còn quá quá nhiều việc đáng khóc hơn trong cuộc sống. Thất bại bóng đá, buồn thật nhưng chưa là gì cả. Thất bại về kinh tế, cứ mãi nghèo nàn lạc hậu đáng khóc gấp trăm. Thất bại về đạo đức, xã hội nhiễu nhương hỗn loạn còn đáng khóc gấp ngàn. Biết khóc, biết nhục là còn hy vọng. Không có phép lạ, không có may rủi. Chúng ta phải tự quyết định tương lai theo cách của mình thôi.
Bình luận (0)